Hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu kết nối tiêu thụ sản phẩm

Hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu kết nối tiêu thụ sản phẩm

Sáng 4/7, tại thành phố Hà Tiên, Kiên Giang, cụm thi đua Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ tổ chức tọa đàm kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu kết nối tiêu thụ sản phẩm ảnh 1Sông Hậu đoạn qua thành phố Cần Thơ (ảnh chụp cuối tháng 4/2022). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Tổng số hợp tác xã hiện có của cụm thi đua là 2.025 hợp tác xã, với 282.099 thành viên. Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; trong đó, hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra cho hợp tác xã là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu và thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay có 617 hợp tác xã trong cụm thi đua tham gia chuỗi giá trị.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết, việc hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp tham gia làm thành viên, làm cán bộ quản lý hợp tác xã ngoài việc doanh nghiệp không yêu cầu hợp tác xã phải chia lãi và phải trả lương mà hợp tác xã còn được doanh nghiệp đầu tư vốn, máy móc thiết bị, san lấp mặt bằng, lúa giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình sản xuất lúa an toàn, tiếp cận được trình độ quản lý doanh nghiệp, được doanh nghiệp định hướng cho hợp tác xã trong việc sản xuất kinh doanh. Thành viên hợp tác xã an tâm được ổn định đầu ra, vì khi gieo sạ đã biết bán được lúa, biết được lợi nhuận.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi là có được vùng nguyên liệu ổn định, có chỉ dẫn địa lý sẽ thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhìn nhận rằng, thông qua các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhận thức của thành viên hợp tác xã từng bước được nâng lên trong vấn đề liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm; quan tâm đến sản xuất theo hướng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường về điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng.

Các công ty, doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã quan tâm, chủ động tìm đến liên kết với hợp tác xã; đã có bước tin tưởng, cởi mở hơn giữa các đối tác; thực hiện các hợp đồng liên kết tiêu thụ đa dạng chủng loại, số lượng, chất lượng sản phẩm của hợp tác xã; các doanh nghiệp, siêu thị đã hỗ trợ tốt về hồ sơ, thủ tục và hướng dẫn kỹ thuật trong việc sản xuất, bảo quản, vận chuyển sản phẩm.

Sự vào cuộc khá đồng bộ của các sở, ngành và chính quyền các địa phương trong việc khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của các hợp tác xã, đặc biệt tại các vùng chuyên canh lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản trọng điểm của địa phương… Qua đó, thống kê diện tích, sản lượng nông sản hàng hóa đến kỳ tiêu thụ để có kế hoạch kích cầu, kết nối thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong khâu tiêu thụ, không để người sản xuất bị ảnh hưởng và hàng hóa tồn đọng, thiệt hại.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thế, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, thời gian qua thông tin liên quan đến nhu cầu sản phẩm, hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp còn chậm, chưa nắm bắt kịp thời do các bên chưa thiết lập kênh liên hệ chính thức, duy trì thường xuyên giữa Liên minh hợp tác xã với các doanh nghiệp và các hợp tác xã, chỉ khi nào thiếu hụt nguồn cung hoặc có biến động liên quan đến thị trường thì lúc đó các bên mới tìm đến nhau.

Quy mô hoạt động đa số hợp tác xã còn nhỏ; thiếu vốn đầu tư, nhiều cán bộ lãnh đạo hợp tác xã còn yếu về quản trị và không nắm bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật, không hiểu về công nghệ thông tin nên chưa mạnh dạn kết nối cung cầu thông qua các doanh nghiệp đầu mối lớn mà chỉ bán tại chợ truyền thống hoặc phụ thuộc vào các thương lái…

Vì vậy, các đại biểu cho rằng, thời gian tới, đối với các hợp tác xã cần mở rộng hoạt động hợp tác, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong tổ chức sản xuất để chủ động bố trí, phân bổ các nguồn lực thực hiện đạt yêu cầu; trong đó, chú trọng chất lượng, sản lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; quan tâm cải tạo, phục hồi điều kiện tự nhiên, sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất mới phù hợp với từng điều kiện, lợi thế của từng tỉnh, thành phố.

Trong liên kết tiêu thụ đôi bên cần trao đổi nội dung mang tính chất hợp tác, thẳng thắn, cùng có lợi, hợp tác trao đổi kỹ thuật sản xuất, chia sẻ rủi ro phát sinh trong quá trình hợp tác.

Hợp tác xã cần tận dụng các chính sách hỗ trợ, liên kết của địa phương; doanh nghiệp nên nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp để liên kết lâu dài với các hợp tác xã theo hướng vùng nguyên liệu đủ diện tích, tin tưởng, tin cậy lẫn nhau…

Dịp này các tỉnh, thành, hợp tác xã với hợp tác xã và doanh nghiệp đã ký kết nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu tổ chức sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố Tây Nam sông Hậu đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định.

Liên minh đã đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia xây dựng, sơ, tổng kết các chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; đại diện cho các thành viên trong quan hệ hoạt động phối hợp; tăng cường kết nối các hợp tác xã tạo nên các chuỗi liên kết trong hợp tác xã … khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của các địa phương.

Hiện nay, tổng số hợp tác xã hiện có trong cụm là 2.025 hợp tác xã, với 282.099 thành viên, vốn điều lệ hơn 6 nghìn tỷ đồng; tổ hợp tác cụm là 7.954 tổ.



Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm