“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối)

Đồ chơi Trung thu luôn thu hút sự chú ý của các em nhỏ. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN
Đồ chơi Trung thu luôn thu hút sự chú ý của các em nhỏ. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Bài 2 (Bài cuối): Sự trở lại mạnh mẽ của đồ chơi truyền thống

Mỗi mùa Tết Trung Thu, trẻ em không chỉ háo hức với bánh nướng, bánh dẻo, với phá cỗ trông trăng mà còn háo hức chờ đợi những món đồ chơi Trung Thu đẹp mắt, ý nghĩa được ông, bà cha mẹ mua tặng.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 1Đồ chơi Trung thu luôn thu hút sự chú ý của các em nhỏ. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Đồ chơi truyền thống không còn "lép vế"

Cách đây 5-10 năm, nhiều người đã từng bày tỏ sự lo ngại bởi những món đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi điện tử trên thị trường áp đảo đồ chơi truyền thống mỗi mùa Tết Trung Thu. Thời gian gần đây, nỗi lo ấy đã từng bước được đẩy lùi, khi những món đồ chơi Trung Thu truyền thống, đậm chất văn hóa dân gian đã trở lại chiếm lĩnh thị trường.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 2Năm nay, đồ chơi truyền thống được bày bán nhiều trên phố Hàng Mã. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Những ngày này, trên các con phố bán đồ chơi Trung Thu ở Hà Nội như phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… rực rỡ sắc màu. Các cửa hàng giăng kín những đèn ông sao, đèn kéo quân, các loại đèn lồng thuần Việt, mặt nạ giấy, ông tiến sỹ, đèn thỏ, đèn cù, trống ếch, trống bỏi, đầu lân… Đây là đồ chơi Trung Thu truyền thống do doanh nghiệp, nghệ nhân ở các làng nghề thủ công Việt Nam sản xuất. Theo quan sát của phóng viên, các loại đồ chơi Trung Thu truyền thống được cửa hàng bày bán ở trung tâm, bắt mắt nhất của gian hàng, chứ không bị “lép vế” nữa.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 3Một em nhỏ thích thú với đèn cù, một món đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Rực rỡ và đa dạng nhất trong các loại đồ chơi Trung Thu là các loại đèn lồng, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau và những hình thù độc đáo, sinh động. Có đèn lồng làm từ chất liệu giấy, có loại đèn lồng được làm bằng bóng kính, có đèn lồng nhựa như ông sao, con cá các loại, đèn lồng siêu nhân, mèo Kitty… Hầu hết các loại đèn lồng này có xuất xứ từ các làng nghề thủ công ở trong nước như làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội)...

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 4Năm nay đồ chơi truyền thống được bày bán khá nhiều. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Cùng với đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao với đủ các kích cỡ từ to đến nhỏ cũng được bày bán và được nhiều người chọn mua. Bên cạnh đó, các loại mặt nạ giấy bồi, đầu lân, trống ếch, trống bỏi… cũng rất đa dạng.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 5Du khách nước ngoài thích thú lưu lại hình ảnh các món đồ chơi Trung thu truyền thống trên phố Hàng Mã. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Chị Minh, một chủ cửa hàng kinh doanh ở phố Hàng Mã, cho biết, riêng về đèn lồng năm nay, các mẫu đèn lồng truyền thống do Việt Nam sản xuất chiếm khoảng 80%, có hình dáng đẹp, mềm mại và phong phú nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Những năm gần đây, khách hàng có xu hướng tìm mua các loại đồ chơi truyền thống được làm thủ công, với mong muốn giáo dục cho các con biết đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Chính vì thế, đồ chơi truyền thống đang có nhiều lợi thế hơn hẳn so với loại đồ chơi nhập ngoại, hiện đại. Hầu hết các gian hàng ở đây đều dành phần lớn diện tích để trưng bày đồ chơi Trung Thu truyền thống. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều đồ chơi truyền thống đã được nghệ nhân, doanh nghiệp địa phương sản xuất với nhiều kích cỡ, trong đó có nhiều loại được "mini hóa", phù hợp với túi tiền, đỡ cồng kềnh, chiếm diện tích, dễ vận chuyển… nên được nhiều người yêu thích và chọn mua.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 6Những món đồ chơi được làm từ gạo nếp được bày bán trên phố hàng Mã thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Bên cạnh các loại đèn lồng, mặt nạ giấy bồi, đầu lân… gian hàng bày bán tò he và các sản phẩm đồ chơi được nặn từ bột của các nghệ nhân cũng thu hút đông đảo du khách. Chọn cho con mình một mâm ngũ quả, cùng mấy con giống nặn bằng bột của nghệ nhân Đặng Văn Hậu, chị Nguyễn Thu Trang (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị rất yêu thích những sản phẩm đồ chơi nặn bằng bột của nghệ nhân này. Từ những mâm ngũ quả xinh xắn, hay hình chú Cuội, chị Hằng, ông tiến sỹ… đều vô cùng sinh động, đẹp mắt, cho đến những con giống bột đáng yêu như lợn, gà, trâu, chó, dê, cá… hay con vật ít được thấy như hổ, rồng, sư tử… Mỗi con một vẻ, mỗi con một màu sắc khác nhau, một tư thế nằm - ngồi khác nhau, nhưng con nào nhìn cũng rực rỡ, ngộ nghĩnh và đáng yêu.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 7Những món đồ chơi được tạo hình làm từ gạo nếp bày bán trên phố Hàng Mã . Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ: “Tôi lựa chọn mua cho các con mình những đồ chơi truyền thống, là chiếc đèn ông sao với đèn lồng cá chép và các sản phẩm được nặn bằng bột để các con chơi trong dịp Tết Trung Thu, bởi những sản phẩm này giá cả phải chăng, lại an toàn, đặc biệt các sản phẩm đồ chơi truyền thống này còn góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho các con”.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 8Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương còn giữ được nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Giữ gìn văn hóa Việt

Tranh thủ ngày cuối tuần, vợ chồng anh Hoài Nam (quận Hoàng Mai) đưa gia đình lên phố cổ Hà Nội chơi. Nhân dịp này, vợ chồng anh cũng tranh thủ ghé phố Hàng Mã – phố bán đồ chơi Trung Thu, để cho các con anh ngắm và lựa chọn mua đồ chơi Trung thu, cũng như trải nghiệm không khí Tết Trung Thu ở Việt Nam.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 9Những món đồ chơi được tạo hình từ gạo nếp bày bán trên phố Hàng Mã . Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Anh Hoài Nam chia sẻ, vì lý do công tác, anh cùng gia đình rời Việt Nam ra nước ngoài công tác đã 5 năm, năm nay mới trở về. Những năm xa quê, dịp Tết Trung Thu, gia đình anh cùng một số gia đình người Việt xa xứ tự mua hoa quả, bánh kẹo tổ chức Tết Trung Thu cho các con. Tuy nhiên, nước bạn không có Tết Trung Thu, nên dù có tổ chức cũng không có được không khí như ở Việt Nam. Năm nay về nước, anh chị tranh thủ thu xếp thời gian đưa các con đi chơi phố cổ, vừa để ngắm các sản phẩm đồ chơi truyền thống Trung Thu, vừa để tận tưởng không khí tưng bừng và trải nghiệm đón Tết Trung Thu truyền thống để không quên văn hóa Việt.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 10Gia đình ông Vũ Huy Đông, thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên là một trong những hộ còn giữ được nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Anh Hoài Nam cho biết, khi cho các con chọn đồ chơi, vợ chồng anh đã tư vấn và gợi ý các con lựa chọn đồ chơi truyền thống Việt Nam. “Tôi vừa gợi ý, vừa kể cho các con biết về những món đồ chơi truyền thống mà tôi rất thích khi còn bé. Vì thế, các con tôi rất thích thú và vui vẻ lựa chọn”, anh Hoài Nam chia sẻ.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 11Tò he được nặn thành nhiều nhân vật được bày bán trên phố Hàng Mã. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Trở về từ chuyến công tác Tuyên Quang, chị Phương Hòa (quận Long Biên) mang về cho con chị những chiếc đèn ông sao được làm thủ công chắc chắn, dán bằng nhiều loại giấy mầu xanh, đỏ, tím vàng khác nhau. Chị Hòa cho biết, năm nào, chị cũng mua đèn kéo quân, đèn lồng hoặc đèn ông sao cho các con chơi dịp Tết Trung Thu. Mọi năm, chị thường mua đèn ông sao ở phố Hàng Mã. Năm nay, chị lên Tuyên Quang công tác đúng dịp Tết Trung Thu. Chị thấy đèn ông sao ở đây được làm rất đẹp, rất chắc chắn, cánh được dán bằng giấy màu rất đẹp, không giống những chiếc đèn dán toàn giấy bóng kính như ở Hà Nội, vì thế chị đã mang bằng được mấy chiếc đèn ông sao về cho các con chơi Trung Thu.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 12Thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương còn giữ được nghề làm trống dịp Tết Trung thu. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

“Những chiếc đèn ông sao cánh dán bằng các loại giấy màu khiến tôi nhớ lại ngày xưa, mỗi mùa Trung Thu, bố tôi thường chặt tre ở ngoài vườn về vót làm khung đèn, rồi mua giấy màu dán về cắt, cho chị em chúng tôi tự dán, tự trang trí để đến đêm Trung Thu đi rước đèn. Cho đến tận bây giờ, ký ức về những chiếc đèn tự tay dán ấy vẫn là ký ức đẹp nhất của tôi về Tết Trung Thu”, chị Phương Hòa chia sẻ.

“Hồn” dân tộc trong Tết Trung Thu (Bài cuối) ảnh 13Năm nay đồ chơi truyền thống được bày bán khá nhiều. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Đèn ông sao là một món đồ chơi dân gian không thể thiếu trong mỗi dịp Trung Thu về của các em nhỏ Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Đèn được làm từ cật tre, giấy bóng kính và được trang trí các họa tiết có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Trước đây, trong đêm Trung Thu, các em nhỏ thường cùng bạn bè chơi rước đèn, vừa đi vừa hát khắp làng xóm, phố phường. Hình ảnh này đã trở thành một ký ức khó quên trong ký ức về tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Ngày nay, dù các em có nhiều đồ chơi đẹp mắt, thậm chí là nhập về từ nước ngoài nhưng có thể thấy những món đồ chơi Trung Thu dân gian như đèn ông sao vẫn gần gũi với trẻ em Việt Nam và đã trở thành một biểu tượng của văn hóa truyền thống.

Những đồ chơi dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt sẽ góp phần đưa các em nhỏ đến với những giấc mơ, câu chuyện thần kỳ, ước vọng tương lai, góp phần hoàn thiện nhân cách văn hóa của con người Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. (Hết)

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm