Tết Trung thu - mùa Tết đoàn viên đang đến rất gần. Với trẻ nhỏ, các em thường mong đến Tết Trung thu để được rước đèn, phá cỗ đêm trăng, được cha mẹ mua cho đồ chơi mới. Người lớn cũng mong đến ngày Tết Trung thu để cùng gia đình, người thân quây quần, sum họp bên mâm cỗ đêm rằm.
Những năm gần đây, người dân có xu hướng tìm về với cội nguồn văn hóa truyền thống, bởi vậy, nhiều gia đình đã ưu tiên lựa chọn các sản phẩm Trung thu truyền thống. Từ bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, cho đến các đồ chơi dân gian ngày càng được ưa chuộng bởi nhiều nhiều người mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc bằng chính những sản phẩm truyền thống mỗi dịp Trung thu.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết để phản ánh những câu chuyện hay về văn hóa truyền thống nhân dịp Tết Trung thu.
Bài 1: Lưu giữ nét đẹp văn hóa với bánh Trung thu truyền thống
Mùa Tết Trung thu, dù ít hay nhiều, hầu hết mỗi gia đình đều mua những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon về thắp hương tổ tiên, ông bà, sau đó cùng gia đình quây quần phá cỗ đêm trăng. Những năm gần đây, thị trường bánh Trung thu rất sôi động với đủ các chủng loại, mẫu mã, cả cả hàng ngoại nhập đắt tiền hay do các khách sạn lớn làm ra. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn trung thành tìm đến cửa hàng bánh Trung thu truyền thống mang vị xưa.
Nhớ mãi hương vị bánh xưa
Hơn một tháng trước ngày Tết Trung thu, trên nhiều con phố lớn nhỏ ở Hà Nội, những gian hàng bánh Trung Thu được dựng lên san sát, với đủ các thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị… Ở các đại lý bánh kẹo, bánh Trung thu cũng được các chủ cửa hàng dành riêng cho một khu vực trưng bày. Các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm bánh Trung thu mọc lên như nấm, nhưng lượng khách ghé mua bánh cũng không phải là nhiều.
Trong khi đó, ở những hàng bánh Trung thu truyền thống, đặc biệt là những thương hiệu có tiếng từ lâu đời, dù không quảng cáo rầm rộ, nhưng lượng khách đến mua hàng đông hơn nhiều như: bánh Bảo Phương, bánh bà Dần, bánh Phương Soát… Có nơi, khách phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới mua được vài hộp bánh.
Chị Nguyễn Minh Phương (quận Hoàng Mai) cho biết, nhiều năm nay, mỗi mùa Tết Trung thu, chị đều mua bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, làm thủ công để thắp hương gia tiên, làm quà biếu gia đình hai bên nội ngoại và tặng bạn bè thân thiết thay vì mua bánh sản xuất công nghiệp.
Chị Minh Phương chia sẻ, cuộc sống hiện đại ngày nay mỗi gia đình ít nhiều đều có điều kiện sống tốt hơn trước. Bánh Trung thu cũng không phải là mặt hàng hiếm hoi, khó mua như trước, các công ty bánh kẹo cho ra đời rất nhiều sản phẩm bánh từ bình dân đến cao cấp. Nhân bánh phong phú hơn, nhiều nơi còn sử dụng nguyên liệu cao cấp, đắt tiền để sản xuất. Nhiều người thích mua bánh này vì mẫu mã đẹp mắt, chất lượng tương đối đảm bảo, nhiều loại vị nhân để lựa chọn. Tuy nhiên, chị Phương lại không thích những chiếc bánh ấy lắm mà cứ nhớ mãi hương vị đặc biệt của bánh Trung thu truyền thống được ăn từ khi còn thơ bé, đặc biệt là vị bánh thập cẩm. Một chút đỏ của lạp xưởng, điểm vài hạt trắng trong của thịt mỡ, màu trắng ngà của mứt bí, thêm ít hạt vừng, vài sợi chỉ lá chanh thái nhỏ làm dậy hương thơm đặc trưng của nhân bánh. Khi nếm một miếng bánh Trung thu, cảm nhận vị béo bùi của thịt mỡ và bột dẻo, vị ngọt đậm đà của mứt bí, vị thơm ngon của lạp xưởng và vừng… khiến cho người ăn nhớ mãi không quên.
“Cho đến nay, dù đã trưởng thành và có gia đình, sự xuất hiện của nhiều loại bánh Trung thu mới, tôi vẫn giữ thói quen lựa chọn cho mình và gia đình những chiếc bánh truyền thống, bởi chúng gợi cho tôi nhớ đến ký ức vui vẻ của mùa Trung thu xưa”, chị Nguyễn Minh Phương nói.
Kết nối yêu thương
Chị Thu Hằng (quận Long Biên), sinh ra và lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Nhiều năm qua, mỗi mùa Trung thu đến, chị Hằng vẫn nhớ và giữ thói quen mua bánh truyền thống từ Hải Phòng để ăn cho đỡ nhớ quê.
Chị Thu Hằng kể: Ngày xưa, mỗi dịp Tết Trung thu, mẹ chị thường bày một mâm cỗ rất đẹp, trên mâm cỗ ấy có các loại quả theo mùa gồm na, nhãn, hồng, bưởi, chuối… Đặc biệt, mâm cỗ có thêm những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống rất thơm ngon. Mỗi loại bánh đều có hương có vị đặc biệt khiến tôi nhớ đến tận bây giờ. Chính vì thế, dù Hà Nội có rất nhiều bánh Trung thu, nhưng năm nào chị cũng nhờ người nhà mua bánh Trung thu truyền thống từ Hải Phòng gửi lên để được thưởng thức hương vị bánh quê nhà mà không loại bánh nào khác có thể thay thế.
Bên cạnh việc lựa chọn mua bánh tại các cửa hàng, hiện nay, một số người thích tự làm bánh Trung thu theo phong cách truyền thống. Họ tham gia các khóa học làm bánh, hoặc học theo trên internet rồi tự mua nguyên liệu về làm bánh tại gia đình, vừa để sử dụng vừa để tặng người thân, bạn bè làm quà Trung thu. Một số người còn tranh thủ làm thêm để bán cho người quen, đồng nghiệp…
Nguyên liệu làm bánh có thể đặt mua trực tiếp tại các cửa hàng, hoặc mua online trên các trang mạng điện tử uy tín. Các nguyên liệu được bán theo các “gói combo” với các mức giá khác nhau. Ngoài nguyên liệu, các loại dụng cụ như khuôn bánh, khay đựng, bao bì, cán bột, lò nướng… đều có đầy đủ và đặt mua dễ dàng.
Chị Lan Anh (quận Cầu Giấy) chia sẻ, mấy năm gần đây, chị cũng lựa chọn tự làm bánh Trung thu tại nhà. Thực ra không phải vì tiếc tiền mua bánh, tính ra bánh tự làm còn có giá thành cao hơn mua nhưng chị coi đây là cách để xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng. Thêm vào đó, các thành viên trong gia đình, nhất là các bạn nhỏ có thêm những trải nghiệm đặc biệt với các công đoạn làm bánh.
“Mỗi khi làm bánh, cả chồng và các con tôi đều tham gia làm cùng, không khí gia đình thêm hòa thuận, gắn kết vui vẻ. Đặc biệt, việc tự tay làm bánh Trung thu để tặng người thân khiến tôi cảm thấy rất ý nghĩa”, chị Lan Anh cho biết.
Dù trên thị trường có nhiều thương hiệu bánh Trung thu được sản xuất được sản xuất công nghiệp, mẫu mã đẹp mắt, nguyên liệu phong phú hơn hẳn bánh truyền thống, có những hộp bánh giá trị xa xỉ lên đến cả triệu đồng, nhưng thường loại này được mua để đem biếu, tặng, chứ ít người bỏ tiền mua để thưởng thức. Trong khi đó, những chiếc bánh dẻo, bánh nướng mang đậm hương vị Trung thu xưa đang ngày càng được ưa chuộng, như một sự tìm về và lan tỏa một nét độc đáo trong cội nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam. (Xem tiếp Bài 2: Sự trở lại mạnh mẽ của đồ chơi truyền thống)
Phương Lan