Hội thảo xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh thời chúa Nguyễn

Hội thảo xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh thời chúa Nguyễn
Những dấu tích về thời kỳ chúa Nguyễn dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Dantri.com.vn
Những dấu tích về thời kỳ chúa Nguyễn dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Dantri.com.vn

Theo sử sách, tháng 10 năm Mậu Ngọ (năm 1558) Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử - Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, Châu Thuận (nay là xã Triệu Ái và Triệu Giang huyện Triệu Phong). Trong thời gian 68 năm, từ năm 1558-1626, Sử chép rằng chúa Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ, dinh thự, dinh trấn tại 3 điểm trên đất: Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626). Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình Nam tiến vào khai phá xứ Đằng Trong của người Việt. 

Trải qua thời gian dài của lịch sử với gần 500 năm, nơi đây đã chịu nhiều biến động do chiến tranh, thiên tai xóa phần lớn các dấu tích, những di sản văn hóa của một triều đại vốn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vì thế, những vấn đề cốt lõi về thực chất của mục đích, ý đồ các lần di dời thủ phủ, dinh trấn, dinh cơ trên một địa thế chưa đầy 2 km2 thuộc vùng cát Ái Tử-Trà Bát vẫn còn là những ẩn số chưa có lời giải thỏa đáng. Vị trí, diện mạo, quy mô, vị thế, vai trò của 3 dinh trấn Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát trên thực tế không chỉ là những đồn binh nặng về bố phòng quân sự mà còn là những trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế-xã hội sôi động một thời vẫn chưa được làm sáng tỏ. 

Các địa điểm dinh phủ của lị sở dinh Chúa Nguyễn năm 1996 tuy đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích cấp tỉnh nhưng do chưa xác định địa điểm và chưa có khoanh vùng bảo vệ đất đai nên chịu nhiều tác động từ nhu cầu dân sinh và xây dựng cơ sở hạ tầng làm thay đổi, biến dạng hiện trạng của các yếu tố gốc. Vì vậy, tại hội thảo, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến, công bố những kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thăm dò, khảo cổ để xác định diện mạo lị sở; xác định vị trí, quy mô, cấu trúc, cách thức, kỹ thuật xây dựng các thủ phủ, dinh trấn, dinh cơ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh cùng các địa điểm liên quan.

Trên cơ sở đó, tiến hành khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ công nhận di tích Quốc gia, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để gìn giữ di tích. Đồng thời, các nhà khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học xây dựng dự án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Các nhà khoa học đã đề xuất ý kiến đề nghị địa phương cần tập trung nguồn lực đầu tư một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như đặt tên một trường học mang tên Nguyễn Hoàng.../. 
Thanh Thủy

Có thể bạn quan tâm