Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Cồng chiêng là tâm hồn tình cảm của người Tây Nguyên. Qua tiếng cồng chiêng say đắm lòng người, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã xây dựng nên nét văn hóa đặc trưng, phong phú và đa dạng, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử góp phần hình thành kho tàng di sản văn hóa vô giá của cả dân tộc. Qua hội thảo, các nhà khoa học đã đi sâu phân tích, đánh giá những khó khăn, thách thức và đưa ra nhiều giải pháp tâm huyết trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, sau khi được UNESCO vinh danh, các tỉnh Tây Nguyên đều có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, tuy nhiên các biện pháp chỉ dừng lại ở kiểm kê số lượng nhạc cụ, số lượng nghệ nhân và hiện trạng thực hành trong đời sồng thường ngày…Những cố gắng này chỉ góp phần duy trì một bộ phận của di sản cồng chiêng trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở, không mấy hiệu quả và hấp dẫn công chúng, nhất là với lớp trẻ.
Đối với các hoạt động có dàn cồng chiêng như chiêng Ăn Trâu, chiêng Bỏ mả, chúng ta cần giúp đỡ đồng bào tiếp tục thực hành trong cuộc sống gắn với điều kiện bảo tồn mọi mặt... Ngoài ra, cần phải truyền dạy toàn bộ vốn di sản cồng chiêng cho lớp trẻ theo phương pháp đồng bộ, nghĩa là bao gồm cả nội dung của các hoạt động chức năng thực hành xã hội của mỗi bài chiêng. Có như vậy thế hệ trẻ mới hiểu được vốn di sản quý báu và quan trọng hơn là những ngọt bùi đắng cay mà tổ tiên đang gửi gắm, qua đó chọn lọc và xây dựng nền văn hóa đương đại tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Giáo sư Tô Ngọc Thanh chia sẻ.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đặt ra nhiều thách thức đáng suy ngẫm, trong đó phải kể đến sự thay đổi về hình thức canh tác của nền sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, dẫn đến bối cảnh sinh hoạt văn hóa cồng chiêng nguyên gốc cũng có sự tác động thay đổi. Việc chuyển giao các phong tục, kiến thức, bí quyết văn hóa cồng chiêng cho thế hệ kế tiếp bị gián đoạn bởi hàng thập kỷ chiến tranh. Càng trầm trọng hơn bởi hiện nay rất nhiều nghệ nhân cao tuổi đã về với tổ tiên; sự quyến rũ ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai khiến cồng chiêng mất đi ý nghĩa linh thiêng.
Trước những thách thức đó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chí Bền cho rằng, cần có một công trình về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thực hiện từ cách tiếp cận tổng thể, theo các tiêu chí giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đưa ra. Việc tiếp cận từ khoa văn hóa học với một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cần thiết, như vậy mới giải mã được các biểu tượng của các điệu múa Soang, điệu thức âm nhạc cũng như triết lý của chủ thể sáng tạo văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để bảo tồn bền vững hơn.
Ngày nay, nạn “chảy máu” cồng chiêng diễn ra phức tạp khắp mọi nơi, số lượng nghệ nhân đang giảm mạnh. Đặc biệt, lối sống của giới trẻ bị cuốn theo trào lưu hiện đại, xa rời gốc rễ không còn tha thiết với các loại nhạc cụ truyền thống, các trường ca, sử thi của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, đáng lo ngại hiện nay chỉ còn khoảng 1,4% đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên biết sử dụng cồng, 9,3% biết sử dụng chiêng, 5% biết sử dụng trống, hơn 86% không biết dân tộc mình có trường ca nào. Do đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa công chiêng Tây Nguyên đang đặt ra nhiệm vụ cấp bách và cần sớm có chương trình hành động mới hy vọng lưu giữ được giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của nhân loại.
Nguyễn Hoài Nam