Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển”

Hội thảo quốc tế “Phật giáo vùng Mekong: Lịch sử và phát triển”

Đây là hội thảo khoa học quốc tế về Phật giáo vùng Mekong được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý và công tác tôn giáo, giới nghiên cứu Phật học trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 40 học giả đến từ Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Bangladesh.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo
PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về hội thảo diễn ra ngày 09/11/2015, PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cầu nối học thuật cho Phật giáo tại các quốc gia tiểu vùng Mekong cùng cam kết tạo ý thức toàn cầu về hoà bình, an ninh môi trường và phát triển bền vững vùng Mekong; đồng thời góp phần vào hợp tác kinh tế, văn hoá, bảo vệ môi trường, giữ gìn các di sản văn hoá của các quốc gia theo mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Hội thảo cũng làm rõ vai trò của Phật giáo vùng Mekong trong việc duy trì hoà bình, toàn vẹn lãnh thổ trên nền tảng tôn trọng luật pháp quốc tế và phát triển bền vững đối với các quốc gia trong và ngoài vùng Mekong.

Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu về hội thảo khoa học quốc tế "Phật giáo vùng Mekông: Lịch sử và phát triển"
Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu về hội thảo khoa học quốc tế "Phật giáo vùng Mekông: Lịch sử và phát triển"

Theo PGS. TS Trương Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, các tham luận gởi về Ban Tổ chức khá chất lượng và phong phú, nêu lên nhiều vấn đề mới liên quan đến Phật giáo vùng Mekong.

Các học giả nước ngoài thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của sông Mekong và có đề xuất một khái niệm “trách nhiệm vùng” của “Phật giáo vùng Mekong”.

Theo Ban tổ chức, đến nay hội thảo thu hút gần 150 tham luận, trong đó hơn 90 tham luận của giảng viên, nhà nghiên cứu trong nước và hơn 40 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài.

Các tham luận tập trung nghiên cứu sâu về Phật giáo vùng Mekong với các nhóm chủ đề chính như quá trình du nhập và phát triển; quá trình giao lưu và hội nhập; di sản và văn hoá; vấn đề bảo vệ, ứng xử với môi trường trong quá trình toàn cầu hoá và phát triển bền vững./.            

Có thể bạn quan tâm