Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới

Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới

Trong hai ngày 5-6/1, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa trao đổi, góp ý, đóng góp luận cứ khoa học để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của Mo Mường. Đồng thời, khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần bảo tồn di sản Mo trong đời sống của người Mường trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Mo Mường là một Di sản Văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc Mường. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người.

Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới ảnh 1Các đại biểu chủ trì Hội thảo Quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Hội thảo quốc tế là một yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các công tác trọng tâm như quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế, mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới; làm sáng tỏ những nội dung cơ bản về Di sản văn hóa Mo Mường. Cụ thể là: Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện; giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện (Mo tlêu hay còn gọi là Mo Đẻ đất đẻ nước), có thể so sánh với phần diễn xướng kể chuyện trong một số loại hình nghi lễ tín ngưỡng tương tự ở Việt Nam và trên thế giới; tính nhân văn và những quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan được thể hiện qua văn bản Mo Mường; hiện trạng của di sản Mo Mường và một số loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới; đề xuất các biện pháp bảo tồn Mo Mường, có thể dựa trên kinh nghiệm thực tế về bảo tồn những loại hình di sản tương tự ở trong nước và trên thế giới…

Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình cho biết, hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những ý nghĩa to lớn của Mo Mường trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mường nói riêng và đối với sự phong phú của di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, cũng như các nghi lễ tương đồng trên thế giới. Thời gian tới, các đơn vị liên quan tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng và ý nghĩa của Mo Mường, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội về những giá trị văn hóa Mo Mường; hy vọng di sản văn hóa Mo Mường sẽ sớm trở thành di sản văn hóa của thế giới.

Mo Mường ở Hòa Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc. Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình đệ trình UNESCO. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với 6 tỉnh/thành phố (gồm Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất phối hợp xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đến nay, Mo Mường đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể “đang sống” và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường là rất quan trọng, bởi nó cho ta ý thức về bản sắc và sự thân thuộc, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Hiểu biết đúng đắn về giá trị của Mo Mường được coi như hiểu biết về một nền văn hóa cổ sơ của người Mường.

Hội thảo quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới ảnh 2Các đại biểu chủ trì Hội thảo Quốc tế Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Vấn đề bảo vệ di sản, phát huy những giá trị đặc sắc của Mo Mường là nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đắc Lắc và thành phố Hà Nội là những địa phương có dân cư người Mường sinh sống và có sự hiện diện của di sản văn hóa Mo Mường, đem lại nhiều giá trị tinh thần quan trọng trong đời sống nhân dân.

Tại Hội thảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã thảo luận trao đổi các nội dung như: Phác thảo sơ qua những đặc trưng cơ bản của Mo Mường; giá trị và bài học từ Mo Mường; Mo Mường di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Mường trong quá khứ và hiện tại; tín ngưỡng tương đồng với Mo Mường trên thế giới đặt trong mối quan hệ so sánh với di sản Mo Mường... Đây là được coi những cứ liệu so sánh quan trọng cho quá trình lập hồ sơ di sản Mo Mường đệ trình UNESSCO ghi danh trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp./.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm