Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Cần Thơ – Văn minh đô thị sông nước” |
Nhà nghiên cứu Trần Phỏng Diều khẳng định từ xa xưa Cần Thơ đã giữ vai trò đầu tàu của vùng về giao thương, cũng như các hoạt động văn hóa. Theo tốc độ đô thị hóa, Cần Thơ cũng chuyển mình từ một miệt vườn trở thành đô thị loại 1, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy có sự biến chuyển như vậy nhưng Cần Thơ vẫn giữ nguyên vẹn những đặc trưng vùng miền; đó là nét tính cách hào sảng, phóng khoáng; là thói quen mua bán, sinh hoạt trên sông nước.
Nhiều đại biểu đã nhắc đến những chợ đầu mối trên sông đã in đậm qua bao thế hệ như: Chợ nổi Cái Răng, Chợ nổi Phong Điền… Đặc biệt, Chợ nổi Cái Răng với lịch sử tồn tại trên 100 năm, chứa đựng trong đó bao nét văn hóa đặc trưng của người Cần Thơ xưa và nay, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Từ những nền tảng trên, các nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, Thái Ngọc Anh, Phạm Mạnh Kỳ… đã đề xuất các phương án phát triển văn hóa – kinh tế Cần Thơ hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình như: Chú trọng phát triển văn học – nghệ thuật hướng tới xây dựng con người Cần Thơ mới theo tiêu chí “Trí tuệ – Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch”, thanh lọc văn hóa ngoại lai không phù hợp; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc văn minh đô thị sông nước như: Du lịch cộng đồng, homstay, các tour chợ nổi – nhà vườn…
Bên cạnh đó, tỉnh cần đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông nhằm tăng tính kết nối khu vực; ứng dụng những thành quả của công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó gia tăng giá trị cho hàng nông sản.
Ánh Tuyết
TTXVN