Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu và các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại Việt Nam thời gian qua và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường năng lực lao động nông thôn để phục vụ để phục khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải |
Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nhanh, mạnh, bền vững ngành nông nghiệp cần sự phát triển đồng bộ chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ chính sách, nghiên cứu, sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu dùng và tái sản xuất. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò then chốt và quyết định hiệu quả của mỗi liên kết giữa Nhà khoa học – Nhà quản lý – Nhà sản xuất – Nhà kinh doanh và Nhà truyền thông. Trong nền nông nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, thành thạo việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… mới tạo được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực và lao động trong nông nghiệp, nông thôn nước ta trình đô chuyên môn vẫn còn thấp, hệ thống đào tạo nghề lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp hiện đại đang là yêu cầu cấp bách đặt ra để đáp ứng được mục tiêu xây dựng Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn hiện đại, văn minh.
Sản phẩm nông nghiệp của các địa phương. Ảnh: Hoàng Hải |
Hội khoa học phát triển nông thôn (PHANO) đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất và lượng của nguồn nhân lực nông nghiệp trẻ như chủ động nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo chuyên gia có trình độ tiếp cận trình độ quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… để bổ sung nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương, các cơ sở nghiên cứu, các HTX kiểu mới và doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành Nông nghiệp. Đổi mới nội dung và phương thức đào tạo theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy; Đổi mới nội dung, hình thức đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn theo hướn hiệu quả, thiết thực; Huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thúc đẩy dạy nghề; Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân…
Thanh niên dân tộc Tày ở Tuyên Quang khởi nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ý kiến của đại diện Ủy ban Dân tộc, ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nền nông nghiệp phát triển có sự đóng góp không nhỏ vào chương trình khởi nghiệp với khởi sự kinh doanh của phụ nữ dân tộc thiểu số, nhân lực lao động trẻ trong vùng. Vì vậy, để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp cần có một số giải pháp cụ thể: Nghiên cứu, khảo sát phong tục tập quán, nét văn hóa gắn liền với các nghề truyền thống của địa phương, từ dó đề xuất dạy nghề gì cho phù hợp với từng dân tộc, từng vùng; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên tại chỗ là chính những nghệ nhân, những người có uy tín, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất để làm nòng cốt trong dạy nghề; Đào tạo nghề gắn với giải quyết đầu ra cho sản phẩm; Tập trung giải quyết những hạn chế của cơ sở hạ tầng; Quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tài sản sinh kế hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng có nhiều ý kiến tham luận về đào tạo ứng dụng sản xuất công nghệ cao, công nghệ số; Đào tạo đưa lao động đi xuất khẩu lao động; Khởi nghiệp phát triển hợp tác xã; Khởi nghiệp trong chương trình OCOP; Đào tạo phát triển du lịch cộng đồng làng nghề ở nông thôn; Kinh nghiệm quốc tế, trong nước về đào tạo cho lao động trẻ… Các ý kiến này là những đóng góp quan trọng trong định hướng xây dựng Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.
Hoàng Hải