Đến với Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, trong những ngày cận kề Tết Bính Thân 2016, không khí dạy và học vẫn diễn ra sôi nổi như thường ngày. Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Giờ đây, trong những ngày cận Tết Nguyên đán không phải lo cắt cử giáo viên đi vận động học sinh ra lớp (bởi ảnh hưởng của Tết truyền thống của đồng bào Mông kéo dài gần một tháng từ giữa tháng 11 đến hết nửa đầu tháng 12 Dương lịch) thì Hiệu trưởng Tiến lại phải lo làm sao có một phần quà nhỏ để động viên các thầy cô và học sinh. Phương án để có được gần 200.000 đồng để thưởng cho giáo viên là cắt cúp các khoản chi tiêu nhỏ để “dè sẻn” lại một khoản dư.
|
“Vừa rồi Chủ tịch Công đoàn chạy lên hỏi tôi rằng, trường còn khoản nào để thêm vào Quỹ Công đoàn làm quà Tết cho giáo viên không, tôi cũng chẳng biết nói sao. Cả năm đã phải tiết kiệm 30%, nên giờ không nhìn ra khoản nào nữa. Nhà trường không có thưởng, quà xuân cho giáo viên chỉ còn trông vào nguồn Quỹ Công đoàn”, Hiệu trưởng Tiến chia sẻ. “Mọi năm nhà trường cũng cố gắng trích ra một khoản để mua quà cho các thầy cô giáo, nhưng cũng chỉ trị giá từ 150.000 - 200.000 đồng, chưa bao giờ vượt quá con số này”, giọng thầy Tiến chùng xuống. Cùng chung nỗi lo với thầy Tiến, là thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường THBT Trung Chải, xã Trung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Hỏi chuyện lo thưởng Tết của giáo viên, thầy Khiêm băn khoăn: Tết năm nay nếu mua blốc lịch tặng cho giáo viên thì mỗi người chỉ được 50.000 đồng, còn không có lịch thì mỗi cán bộ, giáo viên được 100.000 đồng. “Đó cũng là cố gắng tiết kiệm chi tiêu cả năm của nhà trường lắm rồi”, Hiệu trưởng Khiêm chia sẻ.
|
“Tết nào cũng vậy, từ hiệu trưởng đến các thầy cô giáo, chưa khi nào có thưởng. Nhiều khi cũng thấy chạnh lòng, nhưng nghĩ lại chỉ cần các em lên lớp đầy đủ để các thầy cô không phải vượt núi, băng rừng đêm hôm, sáng sớm đến nhà động viên các em đến trường đã là phần thưởng lớn lao nhất đối với thầy cô giáo rồi”, thầy Khiêm cho biết. Thầy giáo Kiều Văn Mạnh, Trường THBT Trung Chải đã có gần 8 năm gắn bó với học trò vùng cao chia sẻ: “Không có thưởng Tết đối với giáo viên vùng khó khăn đã trở thành chuyện bình thường. Nguồn động viên lớn nhất đối với chúng tôi đó là khi lên lớp thấy không thiếu vắng một em nào”. Ông Phạm Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, cho rằng: Thưởng Tết đối với giáo viên vùng cao là từ xa xỉ: Hiện nay kinh phí chi thường xuyên của các trường rất hạn hẹp. Các trường chủ yếu duy trì kinh phí để trả lương đầy đủ hàng tháng cho giáo viên chứ không có dư tiền để thưởng Tết hay lương tháng 13 như nhiều đơn vị khác. “Mỗi dịp Tết, các trường và ngành giáo dục ở Yên Bái chỉ có một khoản nhỏ để mua quà Tết tặng cho gia đình cán bộ giáo viên nghèo và chính sách. Giá trị vật chất (đường, sữa, bánh kẹo, chè thuốc…) không lớn, chủ yếu là giá trị tinh thần”, ông Tưởng cho biết. Trao đổi với chúng tôi về chuyện thưởng Tết cho giáo viên, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) trăn trở: “Thưởng Tết cho giáo viên nhiều hay ít là do tùy từng trường. Do kinh phí chi thường xuyên rất hạn hẹp, trường nào khéo chi tiêu thì thưởng cho giáo viên được khoảng 300.000 đồng, còn không thì cũng không có thưởng. Ngày gần Tết có cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp nào hỗ trợ cho trường nào thì trường ấy được hưởng, nhưng cũng chỉ là thêm thắt vào gói quà Tết cho giáo viên, còn huyện cũng không có chính sách riêng nào hỗ trợ thưởng Tết cho giáo viên, bởi vốn dĩ là huyện nghèo thu đã không đủ chi”.