Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học

Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; ban hành nhiều văn bản về vấn đề này. Cụ thể như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học…

Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Riêng đối với giáo dục đại học, một số vấn đề nổi lên được dư luận xã hội quan tâm như: Quy hoạch hệ thống các trường đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cơ chế đầu tư tài chính, cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học… Chính vì vậy, Dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 năm 2018 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cần Thơ: Đẩy mạnh mô hình “Doanh nghiệp trong trường học” . Ảnh: Ánh Tuyết
Cần Thơ: Đẩy mạnh mô hình “Doanh nghiệp trong trường học” . Ảnh: Ánh Tuyết 

Tại hội thảo, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận là việc phát huy cơ chế tự chủ đại học. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, hạn chế của giáo dục đại học của Việt Nam là chưa đáp ứng được mục tiêu về nhân lực trình độ cao trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Nguyên nhân là do các cơ sở giáo dục đại học thiếu những liên kết cần thiết với cơ quan tuyển dụng, các viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác. Để khắc phục tình trạng này, cần xây dựng một hệ thống kết nối tốt hơn trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Thực tế, sau 5 năm triển khai Luật Giáo dục đại học, quyền tự chủ này vẫn chưa phát huy được kết quả mong muốn.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, về cơ bản sự cần thiết và tầm quan trọng của tự chủ đại học đã có sự đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn còn thiếu nhất quán như: Điều kiện thực hiện quyền tự chủ, thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm”, hội đồng trường… Vì vậy, theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, để rút ngắn khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với tự chủ trên thực tế của giáo dục đại học cần có sự thống nhất về nhận thức để hoàn thiện thể chế cùng cơ chế tổ chức thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính - Sự nghiệp, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhệm. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ không phụ thuộc vào kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước, được tự chủ toàn bộ về tài chính, nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học từ Nhà nước, từ doanh nghiệp và từ học sinh nhập học.

Nhà nước chỉ nên lựa chọn cấp kinh phí hoạt động cho một số cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện những nhiệm vụ đặc thù do Nhà nước giao, những cơ sở giáo dục đại học ở các khu vực, vùng miền khó khăn, cần có chính sách ưu tiên. Những cơ sở đào tạo đại học công lập chậm đổi mới, không thích ứng được cơ chế cạnh tranh sẽ phải chấp nhận tái cơ cấu, sáp nhập hoặc chuyển giao sở hữu cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước, Tiến sỹ Giang nói.

Tại hội thảo, các nội dung về đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay; giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; những thuận lợi, khó khăn khi chuyển đổi trường dân lập sang tư thục… cũng được các đại biểu phân tích và cho ý kiến cụ thể.
Phan Phương

Có thể bạn quan tâm