Hoàn thiện báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình Giảm nghèo bền vững 2021 - 2025

Hoàn thiện báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình Giảm nghèo bền vững 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ hoàn thiện Tờ trình, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung; ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình (Báo cáo đề xuất chủ trương, Báo cáo tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kèm theo), gửi Quốc hội theo quy định và báo cáo tại phiên họp toàn thể.

Sau khi Quốc hội thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các thủ tục thẩm định theo quy định đối với báo cáo khả thi của Chương trình, trong đó có 2 tiểu dự án hỗ trợ về nhà ở và cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chủ trương này sẽ tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia: Tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 chưa hoàn thành; giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Chủ trương đầu tư Chương trình nhằm xác định các mục tiêu cụ thể và các giải pháp đột phá để góp phần hoàn thành các mục tiêu vì sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, góp phần tích cực để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Thẩm tra đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình nhưng đề nghị tên của Chương trình là “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” để bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Ngoài việc giảm nghèo về thu nhập, cần tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, Chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu khi Chương trình kết thúc để có thể đánh giá tính bền vững.

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm