Hòa Bình: Nâng tầm giá trị sản phẩm qua ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Qua đó, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng mức thu nhập, ổn định kinh tế cho thành viên hợp tác xã và người lao động.

hoabinh.jpg
Mô hình trồng dưa lưới với nhà màng quy mô 1 ha, công nghệ tưới nhỏ giọt, bón phân tự động của Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh. Ảnh: laodong.vn

Những năm trước, Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trị, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hòa Bình) sản xuất, chế biến các sản phẩm cao dược liệu chủ yếu theo phương thức thủ công manh mún, thu nhập của thành viên hợp tác xã chỉ đạt từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Từ khi hợp tác xã thực hiện đầu tư nhà xưởng, ứng dụng công nghệ cao thông qua hệ thống tưới tự động cho vườn dược liệu, dây chuyền chế biến, đóng gói sản phẩm hiện đại, khép kín... đã mang lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trị, ông Bùi Phi Nam chia sẻ, từ khi hợp tác xã ứng dụng đưa dây chuyền sản xuất công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm cao đặc thảo dược đã góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời còn giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất.

Cùng với đó, việc đưa công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt và bón phân tự động có kiểm soát đảm bảo cho cây dược liệu được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển trong điều kiện lý tưởng khi thời tiết khô hạn, cho năng suất cao, năng suất cây trồng có thể cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Ông Trịnh Đình Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Thủy cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Thủy có nhiều Hợp tác xã và người nông dân thực hiện đại trà việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao giá trị sản xuất. Nhờ đó, ngành nông nghiệp của huyện dù còn nhiều khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, hạn hán nhưng vẫn có những bước phát triển ổn định và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những bước tiến vững chắc, ổn định từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, trong chăn nuôi tập trung với hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín, trong sản xuất trồng trọt như các hệ thống nhà kính, nhà lưới; công nghệ tưới tự động; dùng UAV trong phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt giống, bón phân.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo hàng loạt loại cây, con giống chủ lực, sử dụng nguồn giống thuần chủng, chất lượng cao như: giống Gà ri Lạc Thủy, lợn bản địa, bò 3B, bò lai Shine, giống mía nuôi cấy mô, các loại cây ăn quả có múi…

Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đầu tư mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trồng giống dưa lưới Ichiba xanh của Nhật Bản từ năm 2019 trên tổng diện tích đất canh tác 34 ha. Bước đầu, công ty sử dụng 1 ha với 5 nhà màng công nghệ cao, mỗi nhà màng có diện tích 2.000 m2 để trồng dứa lưới Ichiba xanh Nhật Bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP với các quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào như nước, giá thể, hạt giống, phân bón và các khâu trong quy trình kỹ thuật.

Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ kỹ thuật công ty cho biết: Mô hình sản xuất sử dụng nhà màng công nghệ cao chuyên dụng cho nông nghiệp của Israel, có khả năng khuếch tán ánh sáng. Lưới xung quanh sử dụng lưới chắn côn trùng quang học để bảo vệ cây trồng khỏi tác động tiêu cực của môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, công nghệ tưới nhỏ giọt và bón phân tự động đảm bảo cây luôn được cung cấp độ ẩm, chất dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển trong điều kiện lý tưởng, cho năng suất cao. Thời gian sinh trưởng khoảng 75 ngày, trọng lượng quả bình quân 1,5 - 2 kg, tổng năng suất đạt khoảng gần 9 tấn dưa. Sản phẩm dưa lưới Ichiba xanh được dán tem truy xuất nguồn gốc và đem về lợi nhuận hàng năm cho công ty gần 400 triệu đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Hoàng Đình Tráng cho hay, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ có những chính sách hỗ trợ và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật.

Đồng thời, ngành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác người dân có thêm tiềm lực kinh tế mở rộng quy mô sản xuất. Hình thành nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm... tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm