Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển giáo dục Mầm non vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục Mầm non vùng khó khăn; rà soát, ban hành các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở giáo dục Mầm non vùng khó khăn, bổ sung đội ngũ giáo viên vùng khó khăn, nhất là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người dân tộc thiểu số. Địa phương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp, xây dựng cảnh quan môi trường phù hợp nhất với trẻ, thực tiễn của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng mô hình điểm để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong giáo dục Mầm non ở vùng khó khăn.
Tuyên Quang chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Mầm non vùng khó khăn, quan tâm, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ quản lý. Cùng với đó, tỉnh hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường, chú trọng khai thác yếu tố văn hóa trong tổ chức, thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện địa phương; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo định hướng "lấy trẻ làm trung tâm"; phối hợp với cha mẹ và cộng đồng trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện chế độ sinh hoạt cho trẻ trong chương trình giáo dục Mầm non...
Địa phương phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 43,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 99,9% trẻ trong độ tuổi Mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục Mầm non; 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo chương trình phù hợp với điều kiện từng vùng, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ; bồi dưỡng 78,9% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 46,8% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 99,9% trẻ trong độ tuổi Mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục Mầm non; bồi dưỡng 82,8% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp Mầm non của các địa phương…
Hiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc học Mầm non ở Tuyên Quang là 50%, bậc Tiểu học là 69,8%, bậc Trung học Cơ sở 63,8%, bậc Trung học Phổ thông 28,6%.
Vũ Quang