Khi có bệnh, lá sắn thường có biểu hiện bị vàng và hơi xoăn. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Đột phá thành… “đột tử” Chuẩn bị bước vào niên vụ trồng sắn mới năm 2019, chính quyền huyện Đăk Tô đã tạo bước đột phá trong nông nghiệp bằng cách đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất (phương án 38/PA-UBND). UBND huyện Đăk Tô kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng tài trợ giống mới cho dân trồng. Theo đó, đối tượng hưởng thụ là hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số….. Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô thuộc Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi được huyện Đăk Tô “chọn mặt, gửi vàng” để thực hiện một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp cho dân nghèo trên huyện. Ngoài ra, UBND huyện Đăk Tô đồng hành bằng cách hỗ trợ mỗi héc ta 5 triệu đồng để chi trả tiền công, phân bón khi gieo trồng sắn cho dân. Sản phẩm làm ra doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Theo tính toán, ban đầu số hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách đột phá sẽ trồng gần 150 ha nhưng người dân (không thuộc diện ưu đãi) trên 9 xã, thị trấn lại xin đăng ký trồng nhiều nên số diện tích trồng giống mới gần 300 ha. Sau khi có số lượng, Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô đã về các tỉnh Gia Lai, Phú Yên và Đồng Nai để thu mua hom giống về cấp cho dân. Ngày cấp giống, người dân và chính quyền ai cũng vui mừng vì hom giống đẹp. Gieo trồng được 2 tháng, cây sinh trưởng tốt, phát triển đều và củ nhiều, to hơn giống cũ… Tuy nhiên, vào đầu tháng 6 vừa qua, khi thăm vườn sắn, một số hộ dân phát hiện lá cây có vấn đề, bị xoắn lại. Nhận biết tình hình xấu, 2 ngày sau chính quyền huyện Đăk Tô cùng Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô tổ chức họp khẩn với các phòng ban chuyên môn và xác định số cây sắn bị bệnh khảm lá. Nhằm ngăn bệnh lây lan, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan và Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khảm lá; xây dựng kế hoạch phòng, chống… Ông Nguyễn Thành Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô khẳng định, bệnh này do vi rút, bọ phấn trắng (tác nhân truyền bệnh) truyền rất nhanh. Tuy nhiên vừa chống, tiêu hủy cây bệnh cây này thì cây khác phát sinh. Đây là lần đầu tiên trên huyện xuất hiện bệnh khảm lá trên cây sắn. Bệnh khảm lá xuất hiện trên diện tích nhà máy cung cấp giống. Diện tích nhiễm bệnh tăng mạnh từng ngày, bệnh chỉ xuất hiện ở diện tích trồng giống mới. Gần 300 ha sắn trồng mới đều có cây bị với mật độ nhiễm bệnh khác nhau. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định mầm bệnh khảm lá trên cây sắn xuất hiện do các hom giống mà Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô cung cấp cho dân. Theo ông A Quang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Tô, bệnh khảm lá trên cây sắn do hom giống bởi bản thân hom đã bị nhiễm bệnh. Thừa nhận bệnh xuất phát từ hom giống do công ty cung cấp, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô cho biết, tất cả giống lấy chủ yếu ở Gia Lai, Đồng Nai và Phú Yên. Niên vụ trước, giống mới đã được công ty đầu tư cho xã Tân Cảnh trồng 16 ha. Cây phát triển tốt và không có bệnh. Nguồn giống lấy ở Gia Lai là giống mới trồng niên vụ này phát triển tốt, lên đều, nhưng không may lại xảy ra bệnh khảm lá ở tất diện tích do công ty hỗ trợ giống. Từ khi xảy ra vụ việc, nhà máy ngày nào cũng cử cán bộ xuống ruộng vận động bà con nhổ, tiêu hủy những cây bị bệnh.Bệnh chồng bệnh Huyện Đăk Tô có hơn 5.100 ha sắn, tập trung chủ yếu giống sắn cao sản KM94. Tuy nhiên, nhiều năm qua giống này liên tục bị bệnh chổi rồng tàn phá với 80% diện tích trồng giống KM94 bị nhiễm bệnh. Riêng niên vụ 2017-2018 có 1.000 ha bị bệnh chổi rồng, năng suất giảm từ 30-50%, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập người dân. Dù chính quyền các cấp đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhưng bệnh không ngăn chặn được. Trong khi đó, với giống mới gần 300 ha, chính quyền, người dân và nhà máy mong muốn đến năm 2021 huyện Đăk Tô sẽ thay thế hết giống cũ bị bệnh và năng suất thấp. Nhưng, sau 2 tháng trồng, bệnh khảm lá trên cây sắn bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, dù chính quyền đã vào cuộc kịp thời. Là nạn nhân của giống mới, chị Y Vân, thôn 4 xã Tân Cảnh cho biết, 1 ha sắn vừa trồng bằng giống mới của nhà chị đã phải nhổ bỏ hết. Ngoài tiền hỗ trợ của nhà nước 5 triệu đồng và giống, gia đình còn phải vay mượn của người thân cả chục triệu đồng để trồng vậy mà giờ mất trắng. Ông A Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Tân Cảnh thừa nhận việc bệnh chổi rồng và khảm lá đang tàn phá cây sắn khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn. Hiện tại chính quyền, người dân cùng doanh nghiệp đang nỗ lực từng ngày nhằm không chế dịch bệnh. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Đăk Tô, đến nay huyện còn 68 sắn ha bị bệnh. Huyện Đăk Tô phấn đấu trong vài ngày tới sẽ không chế hoàn toàn bệnh khảm lá trên cây sắn. Ông Nguyễn Thành Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô thông tin, kế hoạch ban đầu trong tháng 7 xử lý xong bệnh khảm lá nhưng đến nay vẫn chưa hết. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang khuyến cáo người dân nhổ đốt hoặc đào hố chôn sâu, trước khi chôn phải xử lý bằng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế việc phòng bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, trong nhiều ngày qua, địa bàn Đăk Tô mưa nhiều, đây là bất lợi cho phòng bệnh và tiêu hủy cây. Trước thực trạng trên, đại diện Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô cho biết, nhà máy có phương án hỗ trợ kinh phí cho bà con tiêu hủy. Đối với diện tích cây bị bệnh mà bà con chưa nhổ thì nhà máy sẽ hỗ trợ tiền để thuê người nhổ để xử lý triệt để. Nhằm hỗ trợ cho dân bị thiệt hại, vừa qua Nhà máy cồn-tinh bột sắn Đăk Tô cùng các cơ quan chức năng của huyện Đăk Tô họp thống nhất hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ thiệt hại về năng suất cho các hộ trồng bằng giống mới bị nhiễm bệnh khảm lá sắn.
Cao Nguyên