Hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19 ổn định cuộc sống

Hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19 ổn định cuộc sống
Chị Bà Thị Ý, đại diện hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn được hỗ trợ giãn nợ do ảnh hưởng COVID-19. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Chị Bà Thị Ý, đại diện hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn được hỗ trợ giãn nợ do ảnh hưởng COVID-19. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Ghi nhận tại xã đặc biệt khó khăn Phú Văn thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập, một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao của huyện. Toàn xã có 319 hộ nghèo, chiếm 15,06% tổng số hộ dân, trong đó có 178 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 55,8% hộ nghèo. Xã còn có 212 hộ cận nghèo, trong đó có 143 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 67,4% tổng số hộ cận nghèo… Được sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập theo chương trình giảm nghèo bền vững, nhiều hộ đã thoát nghèo. Cùng với sự ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách gặp khó khăn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã thực hiện nhiều giải pháp theo quy định như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung đối với khách hàng vay vốn khó khăn do dịch, chưa trả được nợ gốc khi đến hạn… nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh. Gia đình anh Điểu Bích tại thôn Thác Dài chỉ trông chờ vào 0,5 ha cây điều già cỗi, cùng 60 trụ tiêu, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Nhiều năm qua, gia đình anh Bích vẫn chưa thoát khỏi cái bóng hộ nghèo đeo đuổi. Đầu năm 2019, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập hỗ trợ cho vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số tiền đó, anh Bích đã chi 20 triệu đồng làm công trình nước sạch vệ sinh, 30 triệu đồng để chăm sóc vườn điều và 20 triệu đồng mua trâu sinh sản. Thay vì trước đây, hai vợ chồng anh phải cày thuê cuốc mướn, giờ đây hai vợ chồng anh dành thời gian đầu tư chăm sóc vườn và hai con trâu giống. Anh Bích phấn khởi cho biết: "Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn bên Ngân hàng chính sách xã hội, có nguồn vốn đầu tư làm ăn để ổn định cuộc sống. Nhờ vốn này, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước. Tôi cảm ơn các cấp đã tạo điều kiện cho gia đình cũng như các hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn". Theo anh Bích, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cũng là thời điểm địa phương thu hoạch hạt điều tươi. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều hộ ít thuê nhân công hái điều.Với 0,5 ha điều thu chưa được 1 tấn tươi, giá lại thấp hơn mọi năm, do vậy, gia đình anh gặp khó khăn. Vụ mùa năm trước được bà con có diện tích vườn lớn thuê hái điều nên có thu nhập thêm. Năm nay trùng vào thời điểm dịch bệnh, ít người thuê, thu nhập của gia đình ít đi, khiến chi tiêu gặp khó khăn. Gia đình anh mong muốn được ngân hàng cho giãn nợ để ổn định sản xuất, gom góp tiền trả nợ. Cũng ở thôn Thác Dài, gia đình bà Thị Ý trước đây là một trong những hộ thuộc diện nghèo đặc biệt khó khăn của xã Phú Văn. Căn nhà bằng tre tạm bợ, dột nát chưa được 50 m2 là nơi sinh sống của 3 thế hệ với 9 nhân khẩu. Năm 2018, gia đình bà được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 25 triệu đồng, cộng với số tiền vay mượn để xây căn nhà ở kiên cố che nắng, che mưa. Giờ đây, vợ chồng bà đã có căn nhà khang trang để ở riêng. Đầu năm 2019, bà tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để trồng và chăm sóc 0,4 ha vườn điều và nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình bà đã có 5 con bò. Tuy còn nhiều khó khăn vất vả, cuộc sống gia đình bà Ý đỡ hơn trước và dần đi vào ổn định vươn lên thoát nghèo. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Văn Nguyễn Văn Quân, dịch COVID-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá cả nông sản. Trước những khó khăn của các hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền xã đang tiếp tục rà soát lại danh sách hộ nghèo để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình như: Cấp cây, con giống, hướng dẫn, tư vấn cho bà con làm ăn… Chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không ỷ lại, nâng cao ý thức, chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo, đặc biệt vượt khó trong dịch COVID-19. Không chỉ hộ gia đình anh Bích, bà Ý, đã có rất nhiều hộ gia đình khác ở Bình Phước bước đầu thoát khỏi khó khăn, thoát nghèo nhờ các chính sách vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như các chính sách của chính quyền địa phương. Thời điểm này, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc Ngân hàng Chích sách huyện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung đối với hộ gặp khó dịp COVID-19… đang tiếp thêm động lực cho các hộ vay vốn có thời gian ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh. Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông qua sinh hoạt tổ, hội, nhóm tại điểm giao dịch xã… tuyên truyền về chính sách khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, Ngân hàng kết hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho bà con chăm sóc cây trồng, vật nuôi để sinh ra nguồn vốn an sinh xã hội thoát nghèo; tuyên truyền cho bà con về chính sách vay vốn của ngân hàng, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tình trạng bán hạt điều non, cầm cố đất đai đang "nóng" trong những năm qua. Tính đến hết tháng 4/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập đã giải ngân cho 444 lượt khách hàng vay vốn với hơn 14,5 tỷ đồng; thực hiện gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 282 hộ vay vốn với số tiền gần 5 tỷ đồng… "Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho đối tượng nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai đồng bộ các chương trình cho vay tại 8/8 điểm giao dịch của 8 xã trên địa bàn. Ngân hàng đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương rà soát, phân tích kỹ về điều kiện hoàn cảnh cụ thể từng gia đình. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ triển khai giải ngân vốn kịp thời để hộ nghèo phát triển sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát khó khăn nhất là trong mùa dịch COVID-19", bà Nguyễn Thị Thoa nhấn mạnh. Như vậy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến đời sống sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo ở Bình Phước là không nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời qua các giải pháp của Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương đã và đang giúp cho những hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn gặp khó khăn nỗ lực vượt khó,vươn lên để ổn định cuộc sống.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm