Ông Vi Văn Chiến đang cho đàn lợn rừng ăn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Là huyện biên giới nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát có tổng diện tích rừng tự nhiên vào khoảng 40.000 ha. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và bảo vệ rừng, UBND huyện Mường Lát chỉ đạo các xã tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Tại các xã đang trồng những giống cây kém hiệu quả, huyện vận động người dân chuyển sang thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2014 - 2019, huyện Mường Lát trồng được 17.154 ha rừng. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng, huyện Mường Lát triển khai nhiều chương trình, dự án trồng rừng gồm dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng do chương trình 30a cấp vốn, dự án trồng rừng thay thế do quỹ rừng đồng bằng tài trợ vốn và quyết định 147/2007/QĐ-TTg hỗ trợ người dân trồng rừng. Đến nay, nhiều dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp người dân giảm nghèo. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng đã đi vào cuộc sống. Quyết định 147/2007/QĐ-TTG về hỗ trợ bà con mua cây giống trồng rừng. Trong 5 năm qua, theo quyết định 147/2007/QĐ-TTg, người dân được hỗ trợ khoảng 140 tỷ thực hiện các dự án hỗ trợ cây giống giúp giúp bà con trồng rừng, đối với người dân sống tại các xã có đường biên giới mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, các xã còn lại mỗi hộ được từ 5-8 triệu đồng, có khoảng 6.000 hộ được hỗ trợ mua cây giống để phát triển kinh tế rừng. Huyện trồng được khoảng 14.000 ha rừng theo quyết định 147/2007/QĐ-TTg, nhiều hộ đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả vào xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn để vươn lên thoát nghèo.
Vườn trồng cây ăn quả của ông Vi Văn Chiến trú tại bản Tén Tằn, xã Tén Tằn, huyện biên giới Mường Lát. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Tại xã Tam Chung, Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát đã thực hiện dự án hỗ trợ người dân trồng rừng theo quyết định 147 và vận động các chủ rừng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. Nhờ đó, giai đoạn 2014-2019, xã đã trồng được hơn 800 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn xã lên gần 13.000 ha. Nhiều người dân chủ động hơn trong việc trồng các giống cây lâm nghiệp, phát triển kinh tế rừng. Anh Lước Văn Thúc, tại bản Cân, xã Tam Chung cho biết, năm 2014, sau khi được cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát đến tư vấn về quyết định 147 hỗ trợ cây giống, phân bón cho người trồng rừng, anh đã đăng ký và được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua giống cây, phân bón trồng rừng kinh tế. Sau đó, anh thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng các loại cây như keo, xoan, kết hợp chăn nuôi. Tới nay, gia trại của anh đã mở rộng lên 5 ha, bao gồm 4 ha trồng cây xoan, keo và 1 ha trồng mía, sắn ngô, 7 con trâu và 1 ha ruộng trồng lúa. Thu nhập của gia đình anh đạt 70 triệu đồng/năm. Nói về quá trình giảm nghèo, chị Hà Thị Nga (người Thái) trú tại bản Cân, xã Tam Chung cho biết, năm 2015, chị được nhờ chính sách hỗ trợ phát triển rừng theo quyết định 147 hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống. Sau khi nhận hỗ trợ, chị thực hiện mô hình trang trại tổng hợp, chị nhập các giống cây xoan, vầu, keo và giống vật nuôi như bò, gà lợn về thực hiện mô hình. Hiện trang trại chị ngày càng phát triển và được mở rộng lên 9 ha, bao gồm 6 ha xoan, 15 con bò và trồng các loài cây hái quả như xoài, bưởi. Hầu hết sản phẩm làm ra được bán cho các cơ sở trong tỉnh với thu nhập bình quân của gia đình đạt 100 triệu đồng/năm. Chị hướng dẫn đồng bào dân tộc Mông, Thái sống quanh vùng chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào trồng rừng để giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Lát cho biết, tổng diện tích rừng Ban quản lý đang quản lý khoảng 3.866 ha thuộc các xã Tam chung, xã Tén Tằn, Thị trấn và xã Pù Nhi. Đối với diện tích rừng người dân trồng theo quyết định 147 là 130 ha, Ban quản lý đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho người dân mua giống cây trồng cho bà con. Đa số các loài cây đều phát triển tốt, nhiều hộ thoát khỏi hộ nghèo nhờ phát triển kinh tế rừng. Hiện việc thực hiện các dự án trồng rừng theo quyết định tại huyện biên giới Mường Lát đang còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình toàn đồi núi. Một số hộ trồng rừng nhưng chủ yếu trồng trên đất nương nhưng không chăm sóc làm một số cây rừng chậm phát triển. Phong tục tập quán sản xuất của người dân tộc Mông, Thái còn lạc hậu nên ảnh hưởng đến việc trồng và phát triển rừng. Theo ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết, hiện trên địa bàn có 10 đơn vị thực hiện các dự án trồng rừng theo quyết định 147. Nhiều hộ dân sau khi được hỗ trợ đã xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn đã nâng cao thu nhập và thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, cấp gạo cho nhân dân chăm sóc và trồng mới rừng sản xuất. Huyện thực hiện tốt biên bản ghi nhớ về phối hợp bảo vệ và phòng chống cháy rừng với các huyện Shốp Bâu và Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Địa phương đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2020 sẽ trồng thêm được 300 ha rừng; trong đó, có 5.500 cây phân tán, qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.
Nguyễn Nam