Nhân dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp về xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) - địa phương thực hiện tốt việc bảo vệ rừng trong nhiều năm qua. Dẫn chúng tôi đi tham quan các cánh rừng, chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Đồng vui mừng cho biết, trước đây công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn do ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân còn hạn chế nên trên địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng bà con vào rừng chặt cây lấy gỗ, củi đun, phá rừng để làm nương rẫy. Tuy nhiên, sau khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống, nhận thức của đồng bào thay đổi rõ rệt, rừng được bảo vệ sát sao.
Theo chị Linh, ở các đường mòn dẫn lên các khu rừng đều có những biển báo, biển cấm xâm hại rừng. Các bản còn thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng thường xuyên tuần tra, canh gác nhất là vào mùa khô. Nhờ vậy, nhiều năm nay, trên địa bàn xã không xảy ra cháy rừng.
Năm 2017, xã Trung Đồng có 6.282 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Đây là động lực để bà con các thôn bản tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Cũng nhờ làm tốt việc bảo vệ rừng nên những cánh rừng của xã ngày càng phát triển xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy giảm hẳn. Ở các bản đều họp bàn đưa ra hương ước, quy ước bảo vệ rừng; nếu ai vi phạm chặt gỗ, thả trâu, bò phá hoại sẽ bị phạt.
Hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Tân Uyên là 89.732,88 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 62.895,5 ha. Sau 6 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từ 26% (năm 2012) lên 38,25% vào cuối năm 2017; hơn 50.000 lượt hộ của 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được hưởng tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là trên 92 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, diện tích chi trả 32.166 ha với tổng số tiền 46,566 tỷ đồng.
|
Nhân dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, phát quang thực bì nhằm phòng cháy chữa cháy rừng khi thời tiết sắp chuyển sang mùa khô. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Có được kết quả này, huyện Tân Uyên xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong giải pháp giúp bà con giảm nghèo bền vững. Bởi nếu chăm sóc, giữ rừng tốt, đồng bào được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng. UBND huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng 96 biển báo tại các khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng, 84 bảng quy định chức năng, nhiệm vụ của UBND xã, thị trấn, trưởng các thôn bản trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Huyện Tân Uyên thực hiện tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng qua đài truyền thanh, truyền hình của địa phương, phát tờ rơi cho nhân dân các thôn bản. Đồng thời, tuyên truyền trực tiếp tại các buổi họp bản, buổi chi trả tiền với trên 90% hộ tham gia; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm có 10.200 hộ ký cam kết.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến người dân xã Trung Đồng. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm thực hiện, UBND huyện Tân Uyên đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra, giám sát việc chi trả dịch vụ môi trường rừng thường xuyên. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc rà soát, xây dựng phương án diện tích rừng, đối tượng được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến từng hộ dân; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất của nhân dân về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, bà con đồng tình, ủng hộ tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng.
Ông Phạm Ngọc Đoàn - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên cho biết, người dân được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách đã tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng gây ra giảm đi rõ rệt. Tại một số xã, người dân đã chủ động đăng ký mua cây giống trồng rừng, cho thấy biểu hiện tích cực của chính sách đã tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó rừng được giữ tốt hơn.
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Tân Uyên đã góp phần tăng thu nhập, củng cố niềm tin của người dân trong công tác bảo vệ rừng; từng bước thay đổi nhận thức của bà con về vai trò và tác dụng của rừng. Từ đó, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sống trên địa bàn.
Việt Hoàng