Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên huyện Lắk anh hùng (Khu căn cứ cách mạng H10) tỉnh Đắk Lắk luôn nỗ lực vượt qua khó khăn bằng những việc làm thiết thực. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên. Địa phương không còn trong danh sách huyện nghèo của cả nước.
* Hiệu quả Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác
Nhiều năm qua, anh Y Tông Sruê (xã Buôn Tría, huyện Lắk) cùng cô con gái nhỏ phải sống nhờ gia đình chị gái. Bị bệnh động kinh với khối u biến dạng trên người, lại không có công việc ổn định khiến cuộc sống của hai cha con càng vất vả. Anh Y Tông cứ ngỡ suốt đời sẽ không thể có được căn nhà cho riêng mình. Năm 2022, niềm vui đến với anh khi được Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác của Huyện ủy Lắk hỗ trợ 10 triệu đồng. Cùng với số tiền của anh em trong gia đình đóng góp, anh Y Tông đã xây dựng được căn nhà với tổng kinh phí hơn 47 triệu đồng. Ngôi nhà mới đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho anh vươn lên trong cuộc sống.
Ông Y Krang Kmăm (xã Buôn Tría) là một trong những trường hợp khó khăn được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác vào năm 2022. Là người già neo đơn, thường xuyên đau ốm, bệnh tật, mỗi tháng, ông Y Krang chỉ đan được từ 2 - 3 chiếc gùi bằng mây tre. Số tiền kiếm được không đủ để ông trang trải sinh hoạt hàng ngày và thuốc chữa bệnh. Từ khoản tiền hỗ trợ, ông đã sửa được căn nhà khi mùa mưa đang đến. Ông Y Krang xúc động cho biết, được chính quyền hỗ trợ số tiền để sửa căn nhà, ông rất vui. Từ nay, ông yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk duy trì liên tục phong trào thi đua “Tiết kiệm làm theo lời Bác”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động toàn huyện cứ 3 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng; đoàn viên, hội viên ở cơ sở cứ 10 ngày tiết kiệm ít nhất 1.000 đồng. Nguồn kinh phí từ Quỹ Tiết kiệm được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đóng góp nộp về cơ quan, đơn vị và được Ban Tuyên giáo Huyện ủy quản lý. Số tiền này được sử dụng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sỹ, đảng viên, người neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo… có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Buôn Tría, là một đảng viên trẻ, hàng tháng, anh góp 10.000 đồng vào Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác. Dù số tiền đóng góp không nhiều, đây là việc làm nhân văn được các cán bộ, đảng viên, đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An cho biết, sau nhiều năm thực hiện, Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác đã có sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nguồn lực trợ giúp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với thông điệp “Cho đi là yêu thương còn mãi”, từ năm 2014 đến nay, tổng số tiền các đơn vị quyên góp được là gần 3 tỷ đồng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên và trích trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 200 trường hợp khó khăn.
Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác trên địa bàn là một trong những việc làm hiệu quả, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Lắk tiếp tục phát huy, duy trì nguồn Quỹ để tiếp tục hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, éo le, mắc bệnh hiểm nghèo để họ có thêm nghị lực, niềm vui trong cuộc sống. Qua đó, ngày càng lan tỏa và mang lại giá trị thiết thực, thể hiện tính nhân văn, yêu thương đến cộng đồng.
* Hành trình xóa đói, giảm nghèo
Là địa phương đầu tiên của huyện Lắk về đích nông thôn mới vào năm 2020, đang “trên đường” xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Vũ Xuân Thọ cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương luôn quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2022, xã còn 62 hộ nghèo chiếm 6,48%. Địa phương phấn đấu đến năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 59 hộ, đạt 6,18%.
Để đạt được kết quả trên, xã đã triển khai nhiều biện pháp như: tuyên truyền đến người dân về phát triển kinh tế; đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; huy động cán bộ tham gia các lớp tập huấn đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; phân công đảng viên gần gũi, giúp đỡ các hộ nghèo trong phát triển kinh tế…
Anh Y Kuynh Srê (xã Buôn Tría) cho biết, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cây giống, con giống, gia đình anh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi bò, lợn, ngan, gà. Anh còn được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ sự quan tâm, cùng sự cố gắng của bản thân, đời sống gia đình anh đã đỡ vất vả.
Từ một huyện có điểm xuất phát thấp, còn nhiều khó khăn, với dân số gần 80.000 người, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 64%, đến nay, kinh tế - xã hội huyện Lắk có bước phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Sáu tháng đầu năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 1.290 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng đạt hơn 26.000 ha; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 173 tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt 134/190 tiêu chí. Công tác an sinh xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai. An ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh trong nhiều năm liền. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 50,2% và đến cuối năm 2022 chỉ còn 25,2%.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk Đào Thị Thanh An, để đạt được những thành tựu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các nghị quyết trọng tâm như: Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/10/2020 về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 về “Lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025”…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk nhận định, qua thời gian triển khai, đến nay có thể khẳng định hai nghị quyết trên đã đi vào cuộc sống, tạo sự lan tỏa từ nhận thức đến hành động của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 05, các đơn vị đã huy động, hỗ trợ gần 300.000 cây các loại cho hơn 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn cải tạo vườn tạm, đồi đất trọc, khô cằn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.Thời gian tới, huyện Lắk cố gắng huy động các nguồn lực tập trung xây dựng, phấn đấu đạt mục tiêu trồng 500.000 cây ăn trái các loại trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) để phủ xanh đồi trọc, đất trống, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
“Song song các Nghị quyết, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp… đầu tư trên địa bàn. Đây sẽ là cơ hội tạo điều kiện cho huyện Lắk phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, là kết quả, bước chuyển mình tạo điều kiện cho huyện Lắk chính thức thoát khỏi huyện nghèo 30a của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2022”, bà Đào Thị Thanh An thông tin.
Huyện Lắk anh hùng, giàu truyền thống cách mạng hôm nay đang dần “thay da, đổi thịt”. Với sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, tập thể lãnh đạo, huyện đã có bước phát triển, tạo tiền đề giúp địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp, chuyển mình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị...
Nguyên Dung