Hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới tại Hà Giang

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái và dân quân 2 xã Xín Cái, Thượng Phùng thực hiện nghi lễ chào cột mốc biên giới. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái và dân quân 2 xã Xín Cái, Thượng Phùng thực hiện nghi lễ chào cột mốc biên giới. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Cùng với lực lượng Biên phòng, nhiều tập thể, gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tình nguyện tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới tại Hà Giang ảnh 1Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái và dân quân 2 xã Xín Cái, Thượng Phùng thực hiện nghi lễ chào cột mốc biên giới. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, UBND tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo, phối hợp các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới nói riêng, địa bàn toàn tỉnh nói chung.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg (2015-2020), nhận thức của người dân khu vực biên giới trong việc bảo vệ lãnh thổ, an ninh biên giới ngày càng được nâng cao. Thế trận biên phòng toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc. Điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg là Hà Giang đã thành lập, duy trì có hiệu quả các tập thể, tổ tự quản, dòng họ tự quản và gia đình tự quản, tạo sức lan tỏa phong trào toàn dân tham gia quản lý đường biên, cột mốc đến các thôn, bản khu vực biên giới. Đến nay, toàn tỉnh có 318 tổ an ninh trật tự với 1.581 thành viên; 856 cá nhân, 107 tập thể đăng ký tham gia phong trào tự quản hơn 277 km đường biên với 442 cột mốc quốc giới.

Ông Chảo Chỉn Xiền, trưởng thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong số 57 hộ thuộc hai xã Xín Cái và Thượng Phùng được giao tự quản đường biên, cột mốc. Hàng ngày, mỗi khi đi làm nương, ông Xiền đều qua thăm và kiểm tra cột mốc 470 mà gia đình được giao quản lý. Ông Xiền chia sẻ: “Người dân địa phương phấn khởi và rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, thường xuyên kiểm tra, phát cỏ chăm sóc cột mốc, phần đất được giao canh tác. Nếu có phát hiện dấu hiệu bất thường, xâm phạm làm hư hỏng cột mốc, người dân sẽ báo cáo ngay với Đồn Biên phòng và chính quyền địa phương”.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Chủng, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Xín Cái, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, Đồn Biên phòng Xín Cái đã phối hợp với hai xã biên giới Xín Cái, Thượng Phùng tổ chức tuyên truyền và phát động đến toàn thể nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời , Đồn lựa chọn những tập thể, hộ gia đình, cá nhân điển hình tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh thôn, bản...Từ những việc làm thiết thực đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới đã giảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhân dân yên tâm lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, năm 2020 khi xảy ra dịch COVID-19, các tập thể, gia đình được giao nhiệm vụ tự quản đường biên, cột mốc này là những nhân tố quan trọng trong việc phát hiện người lạ, người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, góp phần thực hiện công tác phòng chống dịch ở tuyến biên giới được tốt hơn.

"Đồn Biên phòng Xín Cái quản lý đoạn biên giới dài hơn 23 km đường biên, gồm 72 cột mốc. Trong đó, 62 cột mốc chính và 10 cột mốc phụ. Nhằm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn Xín Cái đã phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng rà soát các hộ gia đình có nương gần khu vực đường biên, cột mốc. Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc ra quyết định thành lập các tập thể tự quản, hộ gia đình tự quản. Hiện nay, trên địa bàn đơn vị quản lý đã và đang duy trì 8 tập thể và 57 hộ gia đình tự quản đường biển cột mốc" - Đại úy Nguyễn Văn Chủng cho biết.

Hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới tại Hà Giang ảnh 2Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Xín Cái cùng dân quân phát cỏ, chăm sóc cột mốc. Ảnh: Nguyễn Chiến-TTXVN

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng và đối ngoại. Với hơn 277 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có 442 mốc quốc giới, trong đó 358 mốc chính và 84 mốc phụ. Năm năm qua (2015-2020), lực lượng quần chúng cốt cán và quần chúng nhân dân trên toàn tuyết biên giới của tỉnh Hà Giang đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng gần 5.000 tin, trong đó có hơn 3.000 tin có giá trị, tổ chức điều tra xác minh, xử lý 1.401 vụ với 1.729 đối tượng liên quan đến trật tự, an toàn xã hội (trong đó tội phạm ma túy 32 vụ với 31 đối tượng; tội phạm mua bán người 75 vụ với 29 đối tượng; buôn lậu, gian lận thương mại 211 vụ với 262 đối tượng; tội phạm vi phạm pháp luật 489 vụ với 794 đối tượng...)

Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, các tổ tự quản, gia đình tự quản đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát hiện, báo cáo kịp thời với biên phòng và chính quyền địa phương khi có người lạ xuất hiện, người xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở tuyến đầu biên giới, đảm bảo an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội.

Nguyễn Chiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm