Chị em phụ nữ của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Mường Báng thu hoạch thìa là. Ảnh: Văn Dũng -TTXVN |
Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn của Chi hội Phụ nữ đội 9, xã Mường Báng thành lập vào tháng 8/2018. Tổ hợp tác có 13 thành viên, đang canh tác khoảng 3 ha, trồng đa dạng các loại rau như cải bắp, cải thảo, cải mèo, các loại rau thơm…Chị Phạm Thị Út Mai là thành viên tích cực của Tổ hợp tác. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa, chị Út Mai đã kêu gọi, vận động hội viên phụ nữ trên địa bàn góp đất canh tác, cùng nhau mở rộng diện tích để chuyên môn hóa trồng rau sạch. Cùng với đó, chị Mai tìm tòi học hỏi, nắm vững kỹ thuật chăm sóc rau sạch, ứng dụng vào thực tiễn. Hiện tại, chị Mai là một trong 3 chủ nhiệm có vai trò duy trì và phát triển mô hình trồng rau an toàn. Chị Út Mai cho biết: Trước đây, chị em chỉ trồng rau đáp ứng nhu cầu của gia đình, bán ra thị trường, không được người dùng tin cậy mua số lượng lớn. Sau khi xây dựng, phát triển mô hình này, các chị được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Điện Biên tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm, hướng dẫn chăm sóc rau theo tiêu chuẩn sạch.
Việc xây dựng và phát triển mô hình trồng rau an toàn của phụ nữ đội 9, xã Mường Báng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Mỗi ngày, Tổ hợp tác xuất ra thị trường khoảng 150 – 200 kg rau sạch, một vài trường học, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã tin tưởng đặt mua rau hàng ngày. Mặc dù mới đi vào hoạt động, thu nhập của các thành viên tăng thêm 2-3 triệu/tháng nhờ việc trồng rau. Tổ hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thêm các giống rau mới và thực hiện trồng rau sạch trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP để có thể cung cấp rau sạch không những trên địa bàn huyện Tủa Chùa mà còn cho cả tỉnh Điện Biên.
Chị Bùi Thị Lay, đội 9, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn chia sẻ: Thời gian đầu, mới làm quen với phương thức canh tác trồng rau sạch, các hội viên gặp không ít khó khăn, nhiều công đoạn phải theo quy trình từ việc chọn giống, bón phân, tưới cây…Tiêu chí mà Tổ hợp tác đặt ra là từng bước trồng rau sạch theo hướng bền vững, không chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt về trồng rau sạch. Vì vậy, mọi người trong Tổ hợp tác phải bỏ nhiều công hơn so với trước đây nhưng giá thành bán ra lại được cao hơn.
Chị Vi Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa đánh giá: Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Mường Báng là một trong những mô hình phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới đảm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và xã hội. Hội đã liên hệ, giới thiệu về mô hình sản xuất rau an toàn của Tổ hợp tác, tới các đầu mối tiêu thụ, đưa thương hiệu rau sạch của Tổ hợp tác có chỗ đứng trên thị trường. Mô hình mới được thực hiện nhưng đã phần nào tăng thêm thu nhập cho hội viên phụ nữ. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa sẽ mở rộng, xây dựng mô hình ở những địa bàn khác của huyện, góp phần tạo nhiều việc làm cho phụ nữ.
Võ Văn Dũng