Công an huyện Yên Sơn và công an viên ở xã Kiến Thiết tuyên truyền, vận động người dân trong thôn thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực”. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Ông Đào Trọng Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: Kiến Thiết là xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có trên 1.300 hộ dân, trong đó khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm từ năm 2010 – 2015, trên địa bàn xã thường xuyên xảy ra các vụ việc liên quan an ninh trật tự trên địa bàn xã diễn biến phức tạp. Do đó, năm 2016, được sự hỗ trợ của Công an tỉnh Tuyên Quang và Công an huyện Yên Sơn, xã đã triển khai mô hình “3 quản, 2 tích cực”. Hiện nay, mô hình này đã được triển khai đến tất cả các thôn trên địa bàn xã với nhiều kết quả tích cực.
Thôn Tâm Minh là một thôn điển hình về thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” của xã Kiến Thiết. Anh Gia Văn Thành, Phó Trưởng thôn kiêm Công an viên thôn Tâm Minh cho biết: Thôn có 142 hộ dân, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thôn, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, cán bộ thôn còn vận động người dân tích cực tham gia thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực”. Thông qua các cuộc họp thôn, công an xã, cán bộ thôn đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để người dân kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, cùng công an quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, kịp thời báo cáo cho cán bộ thôn khi có những người lạ mặt đến thôn; đồng thời, tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tránh xa tệ nạn xã hội, không đánh bạc, không buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, không xuất cảnh trái phép…
Công an huyện Yên Sơn và công an viên ở xã Kiến Thiết vận động người dân trong thôn thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực”. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể của thôn: Chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… đều tham gia tuyên truyền, quản lý các đoàn viên, hội viên của mình… Nhờ sự tham gia tích cực của người dân và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể… nên hơn 2 năm, qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn được đảm bảo. Thôn không còn trường hợp nào mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, người dân trong thôn tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo…
Anh Giàng Seo Dúng, dân tộc Mông, thôn Tâm Minh, xã Kiến Thiết cho biết: Thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” anh thường xuyên vận động người Mông trong thôn chấp hành pháp luật, không tin và nghe lời kẻ xấu, sống tốt đời, đẹp đạo. Bản thân anh luôn gương mẫu thực hiện trước các công việc như: Tập trung phát triển kinh tế gia đình, kịp thời báo cáo đến cán bộ thôn khi gia đình có người ở nơi khác đến ở, làm việc… Bên cạnh đó anh cũng thường xuyên nhắc nhở, quản lý gia đình của mình để người thân không vi phạm pháp luật hay mắc các tệ nạn xãhội…
Ông Giàng Seo Hồ (bên trái) dân tộc Mông ở xã Kiến Thiết tích cực trồng và chăm sóc rừng để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Còn ông Giàng Seo Hồ, dân tộc Mông, thôn Tâm Minh cho biết: Từ khi thôn thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” ông cảm thấy rất an tâm. An ninh trật tự trong thôn được giữ vững, ông cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân và gia đình trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Hiện nay, gia đình ông đang tập trung trồng và chăm sóc gần 1ha cây keo, 3ha cây chuối. Hy vọng với nguồn thu nhập ổn định từ cây chuối và vườn rừng thời gian tới, gia đình ông sẽ vươn lên thoát nghèo…
Bên cạnh việc giữ vững an ninh trật tự, việc thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” ở Kiến Thiết còn giúp người dân nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trồng rừng. Ông Lê Ngọc Phượng, Trưởng thôn Làng Ắp, xã Kiến Thiết cho biết: Làng Ắp có 66 hộ dân, trước đây người dân trong thôn chỉ biết trồng ngô, trồng chuối… hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” người dân trong thôn đã chủ động đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện nay, trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế chủ yếu của người dân trong thôn. 100% hộ dân trong thôn trồng rừng với tổng diện tích trên 92 ha. Vài năm trở lại đây, thôn luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trồng rừng được giao. Nhờ trồng rừng nhiều gia đình trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, thôn còn 24 hộ nghèo, hiện nay thôn giảm còn 8 hộ nghèo…
Anh Giàng Seo Dúng, (bên phải) thôn Tâm Minh, xã Kiến Thiết chọn thu mua, buôn bán chuối là hướng phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Chia sẻ về hiệu quả và cách triển khai mô hình “3 quản, 2 tích cực” trên địa bàn xã, ông Đào Trọng Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết: Ngay sau khi thành lập mô hình “3 quản, 2 tích cực” xã đã xây dựng kế hoạch để tuyên truyền đến người dân: Công an xã phối hợp với lực lượng công an viên ở các thôn tiến hành tuyên truyền đến người dân thông qua các cuộc họp thôn, các ngày lễ lớn của dân tộc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể của xã; đồng thời, thông qua những người uy tín thôn bản trên địa bàn xã tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện mô hình… Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực” an ninh trật tự trên địa bàn xã được đảm bảo; trên địa bàn xã không xảy ra các vụ án nghiêm trọng, tệ nạn xã hội giảm, người dân tự giác chấp hành pháp luật, tích cực trồng rừng và phát triển kinh tế… góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện xuống còn 34%, giảm 4% so với năm 2017.
Ông Thiệp cũng cho biết thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “3 quản, 2 tích cực”. Xã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng, thực hiện dòng họ tự quản, gia đình tự quản ở tất cả các thôn bản trên địa bàn xã; khuyến khích người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Vũ Quang Đán