Mô hình di dời chuồng trại, thực hiện chăn nuôi tập trung của một hộ dân ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN |
Theo số liệu của Chi Cục chăn nuôi và Thú Y tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Cao Bằng có kế hoạch di dời 12.890 trong tổng số 25.780 hộ có nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Đến hết tháng 6/2019, gần 11.000 hộ đã di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. Một số huyện như Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An đã hoàn thành di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở. Các huyện vẫn còn số lượng lớn hộ chưa di dời là Trùng Khánh (trên 2.400 hộ), Hạ Lang (trên 2.500 hộ), Hà Quảng (trên 300 hộ)…
Thiếu quỹ đất để xây dựng chuồng trại cùng với tâm lý lo sợ gia súc bị mất trộm, các hộ đang nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo nên không có kinh phí xây dựng chuồng trại tách biệt. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc vận động người dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở gặp nhiều khó khăn. Mô hình di dời, xây dựng chuồng trại thực hiện chăn nuôi tập trung đang là giải pháp mà cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở Cao Bằng triển khai thực hiện có hiệu quả. Các hộ đang nuôi, nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở sẽ di chuyển gia súc đến một chuồng trại được xây dựng tập trung xa khu dân, cách nguồn nước từ 20 - 500 mét, vừa đảm bảo thuận tiện cho việc bảo vệ, chăm sóc đàn trâu bò của người dân.
Tổng Cọt, huyện Hà Quảng là một xã vùng cao biên giới, kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Địa bàn hiện nay còn gần 200 hộ nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Một số gia đình có điều kiện, có nhận thức về môi trường sống nên đã di dời gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Ông Hoàng Văn Thanh (xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt, huyện hà Quảng) cho biết, năm 2016, gia đình ông quyết định di dời gia súc dưới gầm sàn nhà ở. Gia đình ông xây dựng một chuồng trại, sau đó chia chuồng trại thành các ô nhỏ để vừa nuôi trâu vỗ béo vừa để nuôi gà, nuôi lợn. Từ khi di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, ông thấy không khí gia đình thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối, muỗi, dĩn cũng ít đi.
Ông Dương Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết, thực hiện kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2019, xã đã vận động được 37 trong tổng số 55 hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở. Tuy nhiên, do xã có địa hình phức tạp, phần lớn các hộ dân làm nhà liền kề nhau nên không có mặt bằng để làm chuồng trại riêng biệt. Một số bí thư chi bộ, trưởng xóm chưa quyết tâm chỉ đạo quyết liệt. Một số đảng viên chưa chủ động gương mẫu triển khai thực hiện…
Mô hình di dời chuồng trại, thực hiện chăn nuôi tập trung ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN |
Là địa phương còn số hộ nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở cao nhất tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh đã xây dựng thành công mô hình di dời, xây dựng chuồng trại thực hiện chăn nuôi tập trung ở xã Đàm Thủy và Lăng Yên. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh Mê Văn Đạt cho biết, xã Đàm Thủy đã có 5/18 xóm, với gần 70 hộ chăn nuôi thực hiện mô hình di dời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung. Mô hình này đã tiết kiệm được quỹ đất xây dựng chuồng trại, nhân dân nêu cao ý thức tự quản, tập trung phát triển đàn vật nuôi và có điều kiện phòng chống dịch bệnh cho trâu bò.
Ông Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh nhấn mạnh, huyện đã chỉ đạo và xây dựng thành công mô hình di dời chuồng trại chăn nuôi trâu, bò tập trung ra xa nhà ở. Đây là cách làm hiệu quả đối với một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Tày - Nùng sinh sống. Từ thành công tại hai xã Đàm Thủy và Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh sẽ nhân rộng mô hình di dời chuồng trại tập trung tới các xã; có biện pháp quyết liệt đối với các xã có tỷ lệ chăn nuôi trâu bò dưới gầm sàn còn cao như Khâm Thành, Cảnh Tiên, Ngọc Khê và Đức Hồng, phấn đấu mỗi xã hoàn thành một mô hình xây dựng chuồng trại tập trung trong năm 2019.
Mô hình di dời chuồng trại, thực hiện chăn nuôi tập trung ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu – TTXVN |
Sau hơn 3 năm thực hiện di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, huyện Trùng Khánh đã di dời được 1.528 chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đạt 38,15% chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019, huyện có 160 hộ di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở…
Để hoàn thành kế hoạch di dời gia súc ra khỏi gầm nhà ở, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện gắn với việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong năm để cùng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, tỉnh đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng chú trọng khuyến khích, biểu dương cách làm hay, hiệu quả, gắn thực hiện các mô hình di dời chuồng trại tập trung với các mô hình phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...
Chu Hiệu