Hiệu quả của mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật" tại Nam Định

Hiệu quả của mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật" tại Nam Định

Trung bình mỗi năm, nông dân tại tỉnh Nam Định sử dụng trên 600 tấn thuốc bảo vệ thực vật để phun cho lúa và các loại hoa màu. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng thường bị người dân vứt bừa bãi ngay trên bờ ruộng gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước xung quanh. Để hạn chế tình trạng trên, những năm gần đây, nhiều địa phương tại Nam Định đã xây dựng và duy trì mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật" đem lại hiệu quả cao.

Vụ Xuân năm 2023, gia đình ông Vũ Duy Lân ở xã Nam Thắng, huyện Nam Trực cấy hơn 2 sào (360m2/sào) giống lúa Bắc Thơm số 7. Khi cây lúa đã bén rễ, ông Lân trừ cỏ lần tiếp theo. Sau khi pha hai gói thuốc trừ cỏ vào bình phun thuốc trừ sâu, ông Lân cẩn thận nhặt vỏ gói thuốc trừ cỏ bỏ vào bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở ngay đầu ruộng.

Hiệu quả của mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật" tại Nam Định ảnh 1Người dân xã Bình Minh, huyện Nam Trực cho vỏ thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa rác đặt tại cánh đồng. Ảnh: Công Luật - TTXVN

Ông Lân cho biết, trước đây khi chưa có bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, người dân trong xã sau khi sử dụng thuốc xong thường tiện đâu vứt đấy. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật rải rác ở các bờ ruộng, bờ mương làm ô nhiễm môi trường. Vài năm trở lại đây, khi có bể chứa bằng xi măng đặt ở đầu ruộng, cùng với sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, ý thức của người dân được nâng lên, tình trạng vứt vỏ chai lọ, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ra đồng ruộng đã giảm hẳn.

Là một địa phương thuần nông, bên cạnh cây lúa, người dân xã Nam Thắng còn trồng cỏ Nhật và các loại cây cảnh nên lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng mỗi năm tại đây rất lớn. Để bảo vệ môi trường, địa phương đã cho xây dựng các thùng rác bằng bê tông đặt gần bờ mương hay đầu thửa ruộng để nông dân bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Định kỳ hằng năm, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thu gom, xử lý.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng, trên địa bàn xã hiện có khoảng 40 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt trên khắp các cánh đồng. Để đạt được hiệu quả cao nhất, trước mỗi mùa vụ, Ban Nông nghiệp xã thường xuyên sử dụng hệ thống loa phát thanh tuyên truyền để người dân hiểu được những nguy hại của vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật nếu không được xử lý đúng cách để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, thuốc bảo vệ thực vật vô cùng độc hại, nếu không được thu gom, xử lý đúng cách, lượng thuốc tồn dư sẽ tích luỹ dần trong đất, lâu ngày ngấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến các loài động vật sống dưới nước và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Để giảm ô nhiễm môi trường, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định bắt đầu thí điểm mô hình Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại một số địa phương và ký hợp đồng với công ty chuyên xử lý chất thải nguy hại tại Khu Công nghiệp Hòa Xá, thành phố Nam Định để xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Năm 2022, số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, xử lý sau sử dụng tại Nam Định trên 82 tấn.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Nam Định, từ khi có mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật", các tuyến đường nội đồng, bờ ruộng, bờ mương gần khu vực thùng chứa rác không còn vỏ bao, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước nữa. Từ những hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, đến nay toàn tỉnh Nam Định đã có trên 22.000 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng và đang tiếp tục nhân rộng thêm.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định cho rằng, mô hình "Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật" đã phát huy hiệu quả và đang dần được phủ kín trên các cánh đồng. Tuy nhiên, tại một số nơi vẫn còn một lượng nhỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý đúng quy định, vẫn còn tình trạng người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định khuyến cáo, nông dân cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách) để giảm tác hại của thuốc đối với sức khỏe và môi trường. Các địa phương nên xây dựng thêm các thùng rác đồng ruộng; đặc biệt là ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Công Luật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm