Anh Trần Văn Trường ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã nghiên cứu thành công, đưa ra công nghệ phân loại và xử lý rác thải cân bằng sinh thái, áp dụng hiệu quả vào thực tế, giúp nhiều xã trên địa bàn huyện giải bài toán xử lý rác thải sinh hoạt, mang lại hiệu quả cao.
Giải pháp xử lý rác cân bằng sinh thái
Trước đây, các địa phương tại Nam Định thường lựa chọn việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách chôn lấp và sử dụng lò đốt. Tuy nhiên, thực tế xử lý rác thải bằng các cách này vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Từ thực tế trên, anh Trường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nhiều phương pháp xử lý rác thải. Anh nhận thấy, việc sử dụng lò đốt rác với khối lượng lớn, liên tục khiến môi trường không khí bị ảnh hưởng, phát sinh mùi hôi và các khí độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi đó, chôn lấp rác sử dụng nhiều diện tích đất, không tận dụng được tài nguyên rác lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được, năm 2016, anh Trường đã đưa ra công nghệ phân loại và xử lý rác thải cân bằng sinh thái. Theo quy trình công nghệ này, rác thải sau khi tiếp nhận được phun chế phẩm vi sinh nhằm tiêu độc, khử mùi, sau đó đi qua máy phân liệu.
Tại đây, bê tông, gạch, đá và những loại rác thải quá thể tích quy định được loại bỏ. Khi qua máy chuyển từ, kim loại trong rác thải được phát hiện và phân loại. Máy sàng thô sẽ loại bỏ vải, cao su và một số vật liệu khác có thể tích lớn. Máy sấy khô sẽ làm giảm độ ẩm những phần còn lại của rác thải. Rác sau khi đã được sấy khô sẽ đi qua máy sàng tinh để được phân loại triệt để nhằm thu hồi mùn hữu cơ, nilon, vô cơ, vải, cao su và các tạp chất.
Anh Trường chia sẻ, công nghệ này phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của việc chôn lấp hoặc sử dụng lò đốt rác với tiêu chí: đầu tư thấp, sử dụng ít diện tích đất, không có nước rỉ rác, không mùi hôi thối, không côn trùng và nguồn bệnh.
Với một dây chuyền vận hành, diện tích sử dụng khoảng 2.000m2, công suất xử lý rác thải có thể đạt 50 tấn rác/ngày. Sau khi phân loại và xử lý, nilon, kim loại, được tái chế, rác hữu cơ được xử lý thành phân bón, lượng rác vô cơ phải đốt còn khoảng 20%.
Hiệu quả thiết thực
Đầu năm 2017, anh Trường tiếp nhận xử lý khu chôn lấp rác thải đã quá tải của xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường theo công nghệ phân loại và xử lý rác thải cân bằng sinh thái. Anh Trường cho biết, thời điểm đó, khu chôn lấp rác có diện tích 10.000m2 của xã đã quá tải. Lượng rác thải dồn ứ thành đống cao, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ban đầu, anh đầu tư 4 tỷ đồng lắp đặt một dây chuyền xử lý rác bằng công nghệ phân loại và xử lý rác thải cân bằng sinh thái trên diện tích 2.000m2. Sau 3 tháng, bãi rác đã biến thành sân bóng nhân tạo, khu vui chơi cho thanh niên, thiếu nhi trong xã và đào ao, trồng cây, tạo cảnh quan sinh thái. Hiện khu xử lý rác thải tại đây mỗi ngày thu gom, xử lý khoảng 10 - 12 tấn rác thải sinh hoạt của toàn bộ xã Thọ Nghiệp.
Năm 2021, anh Trường cùng 9 thành viên thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát (hoạt động trong ngành nghề nông nghiệp, thu gom và xử lý rác thải, nhận thu gom, xử lý rác thải), thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã Thọ Nghiệp. Doanh thu của hợp tác xã ước đạt khoảng 3 tỉ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng. Khu xử lý rác luôn có 15 công nhân lao động làm việc, trong đó một nửa là thanh niên địa phương với mức lương là 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Bà Phạm Thị Hồng, công nhân làm việc tại khu xử lý rác xã Thọ Nghiệp cho hay, trước đây khi chưa công nghệ xử lý rác, khu chôn lấp rác thải luôn quá tải. Công nhân không thể xử lý kịp. Rác tồn ngày qua ngày chờ chôn lấp gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến đời sống dân cư xung quanh. Tuy nhiên, hiện tại, rác thải được xử lý hết trong ngày. Công nhân tại khu xử lý không chỉ được trả lương cơ bản mà còn có thu nhập từ việc bán phế liệu, túi nilon.
Ông Hứa Sỹ Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp khẳng định, Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát đã giúp xã giải bài toán rác thải sinh hoạt tại địa phương, nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại và xử lý rác. Thực tế cho thấy, diện tích đất cho khu xử lý ít hơn, môi trường được cải thiện hơn và mang lại lợi nhuận kinh tế và đảm bảo cho người dân nhiều hơn.
Năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ Nông Nghiệp và Môi trường xanh Trường Phát nhận xử lý bãi rác hơn 10.000m2 của xã Xuân Trung. Tại đây, một dây chuyền xử lý rác theo công nghệ phân loại và xử lý rác thải cân bằng sinh thái đã được lắp đặt. Sau một năm,Hợp tác xã đã cơ bản cải tạo xong bãi rác. Diện tích đất trống sau khi cải tạo bãi rác, hợp tác xã đang tiến hành tạo cảnh quan, trồng cây xanh và nghiên cứu sản xuất cây giống. Toàn bộ lượng rác thải hữu cơ được đưa vào máy nghiền nhỏ và ủ cùng men vi sinh làm phân bón cây hoặc nuôi giun quế.
Nguyễn Lành