Việc sử dụng thuốc lá không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2022, hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường.
Thuốc lá – mối đe dọa tới môi trường
Hút thuốc lá dẫn đến một loạt các hậu quả xấu như làm tăng khả năng nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp hay nghiêm trọng hơn là ung thư phổi. Thuốc lá gây ra những mối nguy hại cho không khí do thuốc lá thải ra các chất hóa học độc hại và hầu hết đầu lọc thuốc lá không bị phân hủy trong nhiều thập kỷ đã gây hại cho trái đất, nguồn nước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm.
Khói thuốc "sản xuất" ra nhiều hạt muội - yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khoẻ con người - hơn cả khói diesel. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá trong nhà lên tới 67% và tại gia đình là 49%. Do đó, để hạn chế tình trạng này cần tiếp tục siết chặt những quy định hút thuốc lá ở nơi công cộng, tiến tới giảm hút thuốc thụ động tại mỗi gia đình.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tới 80%, còn trẻ em là 50%.
Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường. Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn; ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 - 7 năm mới phân hủy hết.
Ở Việt Nam, từ lâu hút thuốc lá đã trở thành thói quen của nhiều người. Chúng ta thường bắt gặp ở những quán nước, quán ăn, công trường, cơ quan, đơn vị... nhiều người, nhiều lứa tuổi đều hút thuốc.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đưa ra cảnh báo nhiều bệnh do thuốc lá thụ động gây ra ở người lớn như: Đột quỵ, ung thư xoang mũi, ung thư vú, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Còn với trẻ em là các bệnh như: Hen suyễn, ung thư hạch, các triệu chứng hô hấp giảm chức năng phổi, bệnh viêm tai giữa…
Không những thế, diện tích đất ở những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng bạc màu, cằn cỗi, đặc biệt ở vùng đồi dốc. Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn... và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận.
Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Xây dựng môi trường không khói thuốc lá
Thời gian qua, các địa phương, đơn vị, bộ, ngành, đoàn thể đã thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực về việc tổ chức triển khai, thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các đơn vị đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. Đồng thời các cơ quan, đơn vị đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động; lồng ghép tuyên truyền về quy định cấm hút thuốc và xây dựng môi trường không khói thuốc lá; giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc; thành lập các đoàn kiểm tra hoặc lồng ghép kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống còn 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các điểm: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, các phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Tại Ninh Bình, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và ngoài khuôn viên. Ngành y tế đã triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá trong toàn ngành, đồng thời triển khai xây dựng mô hình “Bệnh viện không khói thuốc”. Các đơn vị, cơ sở y tế đều có khẩu hiệu cấm hút thuốc, treo pa-nô, áp phích tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần thu hút sự chú ý và nhắc nhở mọi người…
Với mục tiêu “Vì sức khỏe cộng đồng - Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”, các cấp công đoàn tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các doanh nghiệp, người lao động xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, đơn vị chức năng các huyện, thành phố đã hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến công nhân viên chức, lao động.
Bước đầu cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, giầy da, thêu ren, cói mỹ nghệ… đã không còn tình trạng hút thuốc lá tại nơi làm việc. Những nơi công cộng như: Tuyến xe buýt, nhà ga, bến tàu, các điểm vui chơi công cộng… tình trạng hút thuốc lá đã giảm đáng kể.
Trước hệ lụy về sức khỏe do thuốc lá gây ra cũng như các rào cản đang tồn tại khiến việc hạn chế sử dụng thuốc lá chưa đạt hiệu quả, nhưng đã nhiều cách làm hay được triển khai trong đời sống.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, do nhận thức rõ sự nguy hiểm của khói thuốc lá đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sống nên kể từ năm 2013, khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, UBND quận đã triển khai xây dựng mô hình “Công sở không khói thuốc”, “Trường học không khói thuốc”, “Cơ sở y tế không khói thuốc”..., vận động nhân dân không mời thuốc lá, sử dụng thuốc lá trong các sự kiện hiếu, hỉ. UBND quận Hoàn Kiếm còn triển khai mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc” tới 291 nhà hàng lớn và khách sạn từ 3 sao trở lên. Quận đã nhân rộng và triển khai thêm mô hình “Địa điểm du lịch không khói thuốc” tại 30 điểm du lịch - văn hóa nổi tiếng...
Nhiều năm nay, Trung tâm Y tế huyện Đại Từ là một trong những đơn vị của tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện khá tốt việc xây dựng cơ quan không khói thuốc lá. Trung tâm thành lập ban chỉ đạo thực hiện cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan đối với cán bộ, viên chức, nhân viên y tế và đưa vào bình xét danh hiệu thi đua hằng năm.
Tương tự, tại những cơ sở y tế khác, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được thực hiện khá nghiêm túc, đặc biệt là quy định không hút thuốc lá trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các cơ sở y tế đều gắn pa nô và nhiều bảng cấm hút thuốc lá trong khuôn viên, nơi tập trung đông người, để nâng cao ý thức người dân khi đến khám và điều trị.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, người lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành văn bản tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Theo đó phấn đấu hết năm 2022 có từ 90% trở lên Công đoàn cơ sở triển khai các biện pháp xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Bộ và các đơn vị trực thuộc đều đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ công chức, viên chức, người lao động như: xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải các có nội dung về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên Cổng thông tin điện tử, báo, tạp chí của Bộ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá... Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng thành công mô hình “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “Học đường không khói thuốc”…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2021-2022. Kế hoạch nhằm mục tiêu thực thi nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng và tiến đến từ bỏ các sản phẩm thuốc lá nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá và nguy cơ hít phải khói thuốc lá thụ động gây ra; tiếp tục xây dựng và hoàn thành mô hình “công sở không khói thuốc” trong các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu biết về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 100% các đơn vị trực thuộc Bộ tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá; tiếp tục duy trì nhân rộng và mô hình “công sở không khói thuốc” tại văn phòng làm việc, phòng họp của các cơ quan, đơn vị; đến hết năm 2022 giảm 30% - 50% người hút thuốc từ bỏ sử dụng các sản phẩm thuốc lá...
Như vậy, ngay lúc này, chúng ta rất cần sự chung tay của toàn xã hội để làm giảm tác hại của thuốc lá và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần làm môi trường trong lành hơn.
Nguyễn Hồng Điệp