Hậu Giang có nguy cơ “đói” mía nguyên liệu

Hậu Giang có nguy cơ “đói” mía nguyên liệu
                               Hậu Giang có nguy cơ “đói” mía nguyên liệu ảnh 1
                 Hiện nhiều nhà máy đường lo ngại chuyện “đói” mía nguyên liệu trong niên vụ mía năm nay.

Diện tích mía giảm mạnh

Sau nhiều năm thua lỗ, không ít nông dân trồng mía đã chuyển từ đất trồng mía sang các loại cây trồng khác khiến diện tích và sản lượng mía của vùng ĐBSCL giảm mạnh. Điều này, khiến ông chủ các nhà máy đường tại ĐBSCL đang lo ngại chuyện “thiếu mía” nguyên liệu khi vào vụ sản xuất. Từ đó, sẽ xảy ra tình trạng giành giật vùng nguyên liệu giữa các nhà máy là khó tránh khỏi. Một lãnh đạo của Công ty Mía đường Tây Nam (có nhà máy ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) thông tin: “Vụ mía năm nay, diện tích mía ở Cà Mau giảm khoảng 50% và hiện chỉ còn gần 1.000ha, còn tỉnh Kiên Giang cũng giảm 20% và hiện còn gần 2.000ha. Với diện tích trên, chỉ đủ cho 2 nhà máy của công ty hoạt động, nếu có nhà máy khác đến thu mua thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho kế hoạch sản xuất. Do đó, tôi mong các nhà máy đường trong khu vực hãy nhường diện tích mía trên cho công ty chúng tôi”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2015-2016, diện tích trồng mía của vùng ĐBSCL chỉ còn gần 42.000ha, giảm khoảng 6.000ha so với niên vụ rồi. Riêng tỉnh Hậu Giang (địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất vùng) cũng đang đối mặt với tình trạng diện tích mía bị thu hẹp, hiện chỉ còn 11.587ha (giảm khoảng 1.520ha). Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho biết: “Diện tích mía giảm kéo theo sản lượng năm nay cũng giảm theo. Theo tính toán của VSSA, sản lượng mía vùng ĐBSCL ước đạt 3,2 triệu tấn, giảm khoảng 486.000 tấn so với niên vụ trước. Những nơi giảm diện tích tập trung ở các  vùng đất trồng không hiệu quả nên ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân chuyển sang cây trồng khác. Mặc dù diện tích giảm nhưng ngành mía đường đã có sự chủ động trước nên sẽ không thiếu hụt nguyên liệu nhiều”.

Giá mía đầu vụ có lời

Song song với việc khả năng các nhà máy đường “đói” nguồn mía nguyên liệu, một vấn đề khác cũng rất được quan tâm là giá thu mua mía năm nay sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng có lợi cho người nông dân. Theo nhận định của các nhà máy đường, dự kiến thời điểm vào vụ ép, giá đường trên thị trường sẽ ở mức 13.000 đồng/kg; đây là mức giá có thể nâng giá thu mua mía nguyên liệu trong dân cao hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: “Giá đường hiện nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, giá đường ở thời điểm vào vụ khoảng 13.000 đồng/kg. Từ cơ sở này, Casuco đưa ra giá thu mua mía tại rẫy cho nông dân là 860 đồng/kg, loại 10 chữ đường (CCS), giá mua tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp từ 950-970 đồng/kg, cao hơn giá thực tế theo quy định của Bộ NN&PTNT là 119 đồng/kg”. Cũng thông tin về mức giá thu mua mía cho nông dân trong niên vụ này, bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, cho hay: “Công ty chúng tôi đưa ra mức giá bao tiêu là 950 đồng/kg, mía loại 10 CCS tại nhà máy và 800 đồng/kg (mía không đo chữ đường) tại mũi ghe. Với giá này, sau khi trừ các chi phí, người trồng mía có lời vì năm rồi, giá mía đầu vụ chỉ ở mức 800 đồng/kg”.

Mặc dù giá mía đầu vụ được các nhà máy đường đưa ra đã có lời cho người trồng mía, tuy nhiên, có một chuyện không mới nhưng nhiều năm qua, các nhà máy đường chưa giải quyết thỏa đáng cho bà con nông dân và các thương lái là việc có hay không chuyện “ăn gian” chữ đường để giảm giá thu mua của các nhà máy. Về vấn đề này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Để bảo đảm tính khách quan, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì phối hợp cùng Sở Khoa học - Công nghệ, Hiệp hội Mía đường, các nhà máy đường trên địa bàn và người dân tiến hành thành lập đoàn kiểm tra việc đo chữ đường của các nhà máy. Và ngay vào đầu tháng 9 này, đoàn đã tiến hành lấy mẫu ở vùng mía Phụng Hiệp và Ngã Bảy, gửi lên Trường Đại học Cần Thơ để xác định chữ đường trước khi các nhà máy vào vụ sản xuất. Sau lần kiểm tra này, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra việc đo chữ đường tại các nhà máy trong suốt vụ mía, đảm bảo tính khác quan, công bằng và quyền lợi cho người nông dân và thương lái.

Ngày vào vụ chính thức của niên vụ mía 2015-2016 đã cận kề, với thông tin các nhà máy e ngại việc thiếu nguồn mía nguyên liệu trong vụ sản xuất và giá thu mua mía đầu vụ có lời đã khiến người trồng mía cảm thấy “thở phào” vì đỡ lo xảy ra tình trạng mía trổ cờ không có người mua như những vụ trước và có lợi nhuận để tái đầu tư cho vụ mùa sau. Hy vọng rằng, sau nhiều năm thua lỗ thì năm nay, người trồng mía trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung sẽ có được mùa “mía ngọt” để giảm bớt bao gánh nặng.

Niên vụ mía 2015-2016, toàn tỉnh Hậu Giang xuống giống 11.587ha, trong đó, diện tích mía chín sớm (giống ROC 16 và tương đương) là 6.410ha, còn lại là mía chín trung bình và chín muộn; ước năng suất mía bình quân đạt 90 tấn/ha, sản lượng đạt gần 955.000 tấn; hiện có hơn 96% tổng diện tích mía được hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bao tiêu với mức giá sàn là 830 đồng/kg mía 10 CCS tại nhà máy và 700 đồng/kg mía 10 CCS tại mũi ghe. Căn cứ theo thời gian sinh trưởng của cây mía và việc kiểm tra CCS của các nhà máy đường, UBND tỉnh thống nhất ngày vào vụ ép mía của các doanh nghiệp là ngày 10-9.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm