Triển lãm thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 9 đảo và một đơn vị quân đội. Các tư liệu, hiện vật trưng bày tại cuộc triển lãm là một phần các bằng chứng lịch sử pháp lý được thu thập từ trong nước và ngoài nước, có cả của Trung Quốc, qua đó góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các nhà nước của Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ, khẳng định chủ quyền liên tục, hòa bình qua các thời kỳ và kéo dài suốt hàng trăm năm nay.
Tại Hậu Giang, triển lãm đã trưng bày gần 100 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm là những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo này và các vùng biển, đảo khác trên Biển Đông. Những tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được trưng bày tại đây có từ thế kỷ XVI cho đến nay.
Sau khi biết được thông tin về cuộc triển lãm, ông Nguyễn Văn Hiệp, ở ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến đã lập tức tìm đến nơi tổ chức triển lãm để được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, tư liệu quý đang trưng bày, nhằm nâng cao vốn hiểu biết của mình về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ các chứng cứ lịch sử. “Những tư liệu từ cuộc triển lãm này đã khẳng định được rằng, ngay từ thời xa xưa, các vua chúa của nước ta qua các thời kỳ đã xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, đồng thời đã cho dân mình ra canh giữ, sinh sống ngoài đó đến tận hôm nay. Thông qua những hình ảnh, thông tin về cuộc sống của người dân và lính đảo, tôi cảm phục trước tinh thần vượt khó, kiên cường bám biển của người dân mình để giữ lấy chủ quyền, nhất là trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt với Trung Quốc, khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Hiệp chia sẻ.
Say sưa nhìn ngắm chiếc áo mang biểu tượng cờ nước với nền đỏ sao vàng được phủ đầy những dòng chữ ký của các chú, các anh cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân - “Kỷ vật Trường Sa” gửi tặng tuổi trẻ Hậu Giang đang được trưng bày trang trọng trong khu vực triển lãm, em Trần Thùy Trang, học sinh Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Ngoài những hình ảnh của chiến sĩ mình ở tận các đảo xa, em còn được thấy chữ ký của các anh, các chú gửi tặng tuổi trẻ Hậu Giang, làm cho em rất xúc động. Ước mong một ngày nào đó, chúng em được ra nơi các anh, các chú đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam để gửi lời cảm ơn đến các chú, các anh thời gian qua đã không ngại gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Đồng thời, chúng em cũng sẽ tiếp bước cha ông kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam”.
Tận mắt chứng kiến được những hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đại úy Mai Vũ Khanh, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an tỉnh, bày tỏ: “Sau khi được xem và nghe thuyết trình về các tư liệu biển đảo của quê hương, tôi vô cùng tự hào, trân trọng và thêm quý mến các đồng chí, đồng nghiệp quân đội nhân dân ngày đêm chiến đấu, canh giữ biển, đảo quê hương”. Đồng thời đại úy Khanh cũng không quên nhìn nhận trách nhiệm của mình và gửi gắm tình cảm chân thành của những người đồng đội, những người con vùng đất Hậu Giang đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa: “Chúc các anh mạnh khỏe, giữ vững niềm tin, có chúng tôi và nhân dân luôn đồng hành và tiếp sức !”.
Báo Hậu Giang