Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng, đưa vào khai thác 348 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Trong số này, nhiều công trình hồ, đập đã bị xuống cấp, hư hỏng gây nên bất cập trong đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa bão đã đến.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường; trong đó, có hiện tượng mưa lũ vượt ra ngoài các quy luật thông thường, đồng thời hiện tượng thời tiết nắng nóng với nền nhiệt độ cao, kéo dài làm hạ thấp mực nước ngầm cũng là một trong số các nguyên nhân gây nên mất an toàn hồ chứa. Trong khi đó số lượng công trình thủy lợi bị xuống cấp không đảm bảo an toàn đang còn nhiều, kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa hạn chế, nguồn vốn phân bổ cho các dự án đã đầu tư xây dựng thiếu.
Hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 117 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 33 hồ chứa xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2022 như Hồ Khe Du, xã Hương Thuỷ, hồ Đập Nậy, xã Hương Xuân (huyện Hương Khê), hồ Liên Hoàn, xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn), hồ Khe Xai, xã Hương Minh (huyện Vũ Quang)… Bên cạnh đó có 86 đập bị thấm, 108 đập bị sạt lở, trượt mái… gây nên nỗi lo mất an toàn cho người dân vùng hạ du.
Là địa phương thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi. Tuy vậy, do điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp và rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư, sửa chữa hồ đập lớn, cấp bách nên đến nay vẫn còn nhiều công trình chưa được khắc phục, sửa chữa.
Tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để địa phương thực hiện các nội dung của pháp luật an toàn đập, hồ chứa nước.
Hoàng Ngà