Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bái gặp khó

Một số xưởng xẻ ván thanh trên địa bàn huyện Trấn Yên hoạt động cầm chừng, phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN
Một số xưởng xẻ ván thanh trên địa bàn huyện Trấn Yên hoạt động cầm chừng, phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Thời gian gần đây, do khó khăn thị trường tiêu thụ cùng giá các loại gỗ đã qua chế biến xuống thấp khiến cho phần lớn cơ sở chế biến gỗ rừng trồng tại tỉnh Yên Bái hoạt động cầm chừng, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Những giải pháp khắc phục thực trạng này đang được các địa phương nỗ lực, khẩn trương thực hiện.

Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bái gặp khó ảnh 1Mỗi cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Yên Bình còn tồn đọng lượng ván bóc từ 150 đến 200 mét khối. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Nguy cơ đóng cửa

Sau nhiều năm liên tục phát triển nhanh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 550 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, với tổng công suất ước đạt hơn 1 triệu m3 gỗ sau chế biến mỗi năm; trong đó, có 44 doanh nghiệp và trên 500 hộ kinh doanh cá thể, giải quyết cho hàng nghìn lao động địa phương, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Yên Bái, từ cuối năm 2022 đến nay, do nhu cầu các thị trường nhập khẩu gỗ giảm mạnh, không có hoặc rất ít đơn hàng, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ, tác động trực tiếp đến các cơ sở chế biến gỗ và các hộ dân trồng rừng, buộc nhiều cơ sở chế biến gỗ phải tạm dừng sản xuất.

Mặt khác, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có công nghệ chế biến còn lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu hàng còn đơn điệu, sản phẩm có sức cạnh tranh không cao... Điều đó cũng đang là nguyên nhân trực tiếp khiến cho việc tiêu thụ gỗ chế biến từ rừng trồng thêm phần khó khăn, trở ngại.

Tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái), địa phương có hơn 2.200 ha đất rừng, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay cả 10 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của xã đều hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng máy, khiến hàng trăm lao động tại các cơ sở này mất việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Ngoài ra, mỗi cơ sở chế biến này còn tồn đọng lượng ván bóc từ 150 đến 200 m3.

Nằm trong vùng rừng trồng chuyên canh tập trung của tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên có trên 100 cơ sở chế biến gỗ, hàng năm các cơ sở chế biến tiêu thụ khoảng 100.000 - 120.0000 m3 gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ dân. Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến gỗ đã đóng cửa, chỉ còn lác đác một số cơ sở chế biến gỗ thanh, bán cho thị trường trong nước, với khối lượng không lớn.

Ông Triệu Khánh Thiện, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cho biết, từ nhiều tháng nay do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã đã tạm dừng hoạt động. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân mà còn giảm thu nhập của người trồng rừng do giá nguyện liệu xuống thấp, thu ngân sách trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nguy cơ sẽ đóng cửa hàng loạt cơ sở chế biến gỗ nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

Theo báo cáo nhanh của ngành chức năng, tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái tình trạng diễn ra tương tự. Tính đến hết tháng 6/2023, đã có trên 230 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng không còn hoạt động do không bán được hàng. Giá thu mua gỗ rừng trồng hiện cũng giảm bằng 2/3 so với giá lúc cao điểm, nông dân trồng rừng điêu đứng vì giá xuống thấp.

Bên cạnh đó, từ giữa tháng 4/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng. Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31/12/2020 thì không được nhập khẩu vào EU. Do vậy, thêm phần khó khăn trong việc xuất khẩu gỗ rừng trồng sang thị trường này.

Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở Yên Bái gặp khó ảnh 2Xưởng ván bóc hộ gia đình ông Lưu Văn Tuất, thôn Tân Lập, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình đã dừng hoạt động từ tháng 3 năm 2023. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Nỗ lực tìm giải pháp

Hiện nay, mỗi năm sản lượng chế biến gỗ trên toàn tỉnh Yên Bái đạt 500.000 m3 ván bóc, xẻ thanh đạt 90.000 m3, dăm gỗ 140.000 m3, đũa gỗ đạt 700 triệu đôi, viên nén nhiên liệu 40.000 tấn... Sản phẩm phần lớn được xuất khẩu đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... Nguồn gỗ nguyên liệu chủ yếu là các loại gỗ keo, bồ đề, bạch đàn, quế… phục vụ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ gia dụng, sản xuất bột giấy, ván ép công nghiệp và viên nén.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, sản lượng gỗ rừng trồng qua chế biến xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi đó sản phẩm tồn kho tăng cao. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức tăng trưởng của toàn tỉnh; là một trong những nguyên nhân gây hụt thu ngân sách và khiến chỉ số sản xuất công nghiệp không đạt theo kịch bản tăng trưởng.

Để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục rà soát và làm tốt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến.

Mặt khác, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục mời gọi, ưu đãi đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp có công nghệ cao, có khả năng chế biến sâu, với sản lượng lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, có khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho những cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và người trồng rừng. Giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2022 cho đến nay, Yên Bái đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký là 346,9 tỷ đồng. Điển hình dự án nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái do Công ty cổ phần EREX (Nhật Bản) đã được động thổ tháng 7 vừa qua, có công suất thiết kế viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm; dự án sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm; dự án sản xuất đồ gỗ nội thất 5.000 tấn/năm...

Đi đôi với những giải pháp dài hạn, một số giải pháp ngắn hạn đang được các địa phương tích cực triển khai. Ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện uỷ Yên Bình cho biết, đã chỉ đạo chi cục thuế phối hợp các xã, thị trấn rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận nguồn chính sách hỗ trợ về thuế; hạt kiểm lâm có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ về thủ tục xác nhận nguồn gốc rừng trồng.

Bên cạnh đó, huyện đã mở nhiều hội nghị xúc tiến thương mại ngoài tỉnh nhằm kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gỗ tại các thị trường trong và ngoài nước; yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục liên quan đến nghĩa vụ thuế, xác nhận chất lượng đầu ra của sản phẩm; phân công lãnh đạo huyện xuống cơ sở để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở chế biến gỗ thông qua ngày cuối tuần cùng dân, cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư công nghệ chế biến, công nhân tay nghề cao; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng để từng bước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định trong thời gian tới.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm