Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Tại sao khi cá chết như vậy lại khoanh vùng rộng hơn mà không khoanh vùng hẹp hơn?”, ông Tuấn cho biết, việc khoanh vùng rộng để bảo đảm an toàn lớn hơn bởi khi cá chết thì không biết chết từ 15 hay 20 hải lý và khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn.
Ngư dân xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đánh bắt sứa trở về. Ảnh: Công Tường-TTXVN.
|
Hiện tại, người dân không được sử dụng, thu gom cá chết để vận chuyển đi địa bàn khác sử dụng, tiêu thụ, chế biến và ăn hải sản ở khu vực ven bờ đã chết không rõ nguyên nhân, bị nhiễm độc hoặc lừ đừ gần chết. Tuy nhiên, cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn, ví dụ các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương. Không thể có cá ngừ đại dương sống ở trong khu vực 50 hải lý trở lại.
Hiện nay có tâm lý đã là cá biển thì không dùng, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung. Nếu người dân không hiểu, tẩy chay cả hải sản đánh bắt xa bờ, thì thiệt rất lớn, làm thiệt hại lớn hơn cho ngư dân vùng biển. “Có những ngư dân khóc bởi đánh bắt xa bờ, 150 hải lý, về không ai mua cả, người ta đổ cá ra đường. Nên người dân cần hiểu rõ những loại hải sản nào, khu vực nào không được ăn, những loại nào thì an toàn”, ông Tuấn chia sẻ.
Bộ trưởng đề nghị, báo chí phải tuyên truyền về sản phẩm, hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch ở các tỉnh miền Trung, tuyên truyền bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian sớm nhất công bố nguyên nhân sự cố, dựa trên kết luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đang ở khu vực 4 tỉnh miền Trung. Các cục, vụ thuộc Bộ TT&TT sẽ thường trực để tiếp nhận thông tin là cung cấp ngay cho báo chí.