Theo tin từ Chi cục Kiểm lâm Hải Dương, đến hơn 8 giờ sáng 6/10, lực lượng chức năng đã khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy rừng tại khu vực gần đền Cao An Phụ, núi An Phụ, xã An Sinh, thị xã Kinh Môn.
Như TTXVN đã đưa tin, đám cháy được phát hiện vào khoảng 17 giờ ngày 5/10 tại khu vực phía sau chùa Gạo theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ. Sau đó, lãnh đạo thị xã Kinh Môn đã có mặt tại hiện trường huy động các lực lượng với hàng trăm người tham gia chữa cháy, đồng thời, tiến hành phát quang cây và dọn thực bì để tạo đường băng cản lửa. Tuy nhiên, sau bão số 3 (Yagi), lượng cây đổ nhiều, thời tiết hanh khô nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, ngọn lửa đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do lớp thực bì dày, đến rạng sáng 6/10, đám cháy bùng phát trở lại. Lực lượng chức năng đã khẩn trương khoanh vùng, tạo đường băng cản lửa và nhanh chóng khống chế ngọn lửa, dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Hiện nay, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang tổ chức ứng trực và kiểm soát chặt chẽ các vị trí trọng yếu, không để ngọn lửa bùng phát trở lại.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương, dự báo cháy rừng trên địa bàn thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp IV- cấp nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa lan tràn nhanh. Trước nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, nhất là hạt kiểm lâm thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh tham mưu cho UBND các cấp rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, không dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng...
Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cũng đề nghị Ban Quản lý rừng Hải Dương rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là các diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3 (Yagi); huy động lực lượng, các hộ nhận khoán rừng thu gom vật liệu cháy để xử lý theo đúng quy định. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hộ nhận khoán rừng cố ý sử dụng lửa để đốt dọn vườn rừng, xử lý thực bì để xảy ra cháy rừng...
Mạnh Tú