Việc sơ chế thức ăn ở Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) được thực hiện theo quy trình. Nguồn ảnh: baohatinh.vn |
Trong năm học 2018 – 2019 Trường Mầm non Hà Huy Tập (thành phố Hà Tĩnh) có 309 cháu ăn bán trú tại trường. Để đảm bảo cho bữa ăn của trẻ, nhà trường đã ký hợp đồng với sáu cô nuôi có trình độ nấu ăn từ trung cấp trở lên. Nguồn thực phẩm cũng được lựa chọn kỹ từ những nhà cung cấp uy tín, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệu trưởng Lê Thị Hiền, chia sẻ: Xác định mình là những người thay bố mẹ chăm sóc các cháu ở trường nên chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm trong bữa ăn của học sinh. Từ việc lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu đến sơ chế biến đều phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, thực phẩm luôn tươi mới. Bên cạnh đó các cô và Hội phụ huynh còn tự trồng rau sạch ngay trong khuôn viên trường, đảm bảo phục vụ bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Thực đơn cả tuần tại các trường học có bếp ăn bán trú luôn được công khai tại bảng tin trước cổng trường để phụ huynh theo dõi. Các đơn vị cung cấp thực phẩm đều do trường phối hợp Ban đại diện phụ huynh lựa chọn. Bếp ăn bán trú được thiết kế hợp lý, sạch sẽ, khô thoáng. Các vật dụng, bát, đũa được sấy nóng trước khi sử dụng; việc sơ chế, chế biến thức ăn và lưu giữ mẫu thức ăn hàng ngày được thực hiện đúng quy định. Cô Tống Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: Nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có giấy phép kinh doanh, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, riêng những thực phẩm đông lạnh phải có chứng nhận đông lạnh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh đã triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non trên địa bàn huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh. Đến nay, 100% các trường được chọn làm điểm đã có sổ kiểm thực ba bước và thực hiện việc ghi sổ theo đúng quy định, việc ghi sổ được cập nhật thường xuyên; các bếp ăn được trang bị tủ lạnh lưu mẫu theo đúng quy định, không còn tình trạng dùng chung tủ lạnh lưu mẫu và lưu thực phẩm. Việc tổ chức lưu mẫu được tiến hành thường xuyên và đúng thời gian quy định. Nhân viên chế biến thực phẩm có kiến thức và thực hành tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ trong quá trình chế biến; mang mặc các trang phục bảo hộ lao động đầy đủ như: mũ chụp tóc, tạp dề, khẩu trang. Tỷ lệ cán bộ y tế học đường và người trực tiếp chế biến thực phẩm biết cách test nhanh hóa chất xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm đạt 70%.
Bác sĩ Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Xây dựng mô hình bếp ăn tập thể đảm bảo các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm tại các trường mầm non là việc làm cấp thiết. Trong thời gian tới Chi cục sẽ nhân rộng mô hình tại tất cả các bếp ăn tập thể của các trường mầm non và các trường tiểu học có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 14/3 đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra chín trường mầm non, tiểu học ở thành phố Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên. Qua quá trình kiểm tra Chi cục nhận thấy rằng bếp ăn ở các trường học đảm bảo về cơ sở vật chất, vệ sinh sạch sẽ, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các cô nuôi đều được đào tạo bài bản. Trong thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục kiểm tra đột xuất việc đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm ở các trường học trên toàn tỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm./.
Hoàng Ngà