Làng nghề truyền thống sơn mài Bối Khê, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/Nguyễn Thủy- TTXVN |
Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, với những hoạt động sôi nổi, đặc sắc, phong phú mang đậm dấu ấn của làng nghề truyền thống như: lễ dâng hương và đọc văn tế Tổ nghề làng nghề truyền thống, trống hội, lễ rước kiệu...; triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt; giao lưu văn hóa nghệ thuật; biểu diễn tay nghề truyền thống... và khoảng 500 gian hàng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm. Trong dịp này, Ban tổ chức còn biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc xây dựng, phát triển nghề và làng nghề, phát động phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tại lễ hội, du khách tham dự được thưởng thức một không gian triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt với hơn 100 bức ảnh và các tác phẩm nghệ thuật mang chủ đề về các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, chính trị, đặc biệt là các bức ảnh nghệ thuật mang đậm dấu ấn của mảnh đất trăm nghề Phú Xuyên.
Phú Xuyên là một trong những huyện tiêu biểu của Hà Nội có nhiều làng nghề sản xuất truyền thống với 156 làng, cụm dân cư có nghề; trong đó có 40 làng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, sơn mài (xã Chuyên Mỹ), đan cỏ tế (xã Phú Túc), may mặc (xã Vân Từ), da giày (xã Phú Yên), đồ gỗ cao cấp (xã Tân Dân, Văn Nhân), dệt tơ lưới chã (xã Quang Trung), cơ kim khí (xã Đại Thắng và thị trấn Phú Minh).... Đặc biệt, làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ đã có từ hàng nghìn năm nay, nghề nặn tò he Xuân La - Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh những làng nghề truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm, Phú Xuyên còn tập trung phát triển thêm nhiều làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới và đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề, tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước và quốc tế. Năm 2017, Phú Xuyên đã có 24.500 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, gần 40 nghìn lao động tham gia nghề, giá trị ước đạt khoảng 4.550 tỷ đồng, thu nhập bình quân làm nghề đạt 52 triệu đồng/người/năm. Sự phát triển của các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động ở địa phương và các vùng lân cận, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, góp phấn phát triển kinh tế - xã hội của vùng nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới.
Lễ hội sẽ kết thúc ngày 29/10.
P.A
TTXVN