Toàn cảnh Hội nghị giao ban quý III/2018 về Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. |
Theo báo cáo,trong quý III/2018, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ban, Ngành của Thành phố; Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. Nhờ đó, kết quả Chương trình 02 của Thành ủy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng trưởng khá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực; các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất, nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa... có giá trị kinh tế cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, các giống tốt và chất lượng được tăng cường.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đến hết quý III/2018 và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2018. |
Các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân gieo trồng đúng lịch thời vụ; chủ động các phương án phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, 9 tháng đầu năm 2018 không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bước đầu hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên nhằm kết nối sản phẩm an toàn, nâng cao niềm tin với người tiêu dùng.
Đến nay, Hà Nội có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch năm 2018, có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ. Đối với xây dựng xã nông thôn mới, toàn thành phố có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 6/2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn ước đạt 43,16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Về kết quả thực hiện các tiêu chí cụ thể: Đối với giao thông, thành phố có 369 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 13 xã so với cuối năm 2017); thu nhập có 352 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 9 xã so với cuối năm 2017); hộ nghèo có 365 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 8 xã so với cuối năm 2017); môi trường và an toàn thực phẩm có 371 xã đạt và cơ bản đạt (tăng 5 xã so với cuối năm 2017); thủy lợi duy trì 377 xã đạt và cơ bản đạt; điện duy trì 386 xã đạt và cơ bản đạt; trường học duy trì 318 xã đạt và cơ bản đạt...
Ban Chỉ đạo Chương trình 02 cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 từ đầu năm 2016 đến nay là hơn 26.804 tỷ đồng, tăng hơn 9.693 tỷ đồng so với năm 2017. Toàn thành phố có 126 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 20 mô hình và 118 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 47 mô hình liên kết so với cuối năm 2017.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của lãnh đạo các huyện, thị xã đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của lãnh đạo các huyện, thị xã đã chỉ ra những khó khăn liên quan đến thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí liên quan đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hiện nhiều địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp như: Mê Linh có 6/6 trường phổ thông trung học chưa đạt chuẩn; Gia Lâm còn khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường; Phú Xuyên cần thành phố hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội đã và đang thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Mới đây, lần đầu tiên nhãn chín muộn của Hà Nội đã đáp ứng được các tiêu chí để xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một thành công lớn. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng, nếu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt thì đến hết năm 2018, Hà Nội sẽ có 324 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết luận hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình. Các huyện, thị xã cũng đã bám sát chỉ đạo của Thành phố, chủ động trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả đáng kích lệ.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 26 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. |
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình 02 như: trong nông nghiệp, công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn; nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước...
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bà Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các huyện và các xã đã đạt. 4 huyện phấn đấu hoàn thành nông thôn mới năm 2018 cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hà Nội phấn đấu năm 2019, có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Thực hiện: Nguyễn Hoàng My