Học sinh đến thăm quan Khu di tích nhà Vương. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước đối với khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, trong thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục thực hiện quản lý Khu di tích theo Luật Di sản và các quy định pháp luật hiện hành nhằm phát huy hơn nữa giá trị của khu di tích, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du lịch gắn với từng bước nâng cao đời sống nhân dân, trong đó đặc biệt là gia tộc họ Vương.
Trước đó, ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Tòa Dinh thự họ Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn.
Một góc Khu di tích nhà Vương. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có báo cáo tổng quan và quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến Tòa dinh thự họ Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa dinh thự.
Cũng theo ông Lương Văn Đoàn, ngay sau khi nhận được Công văn số 7787/VPCP-NN ngày 16/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo rà soát các vấn đề liên quan đến Tòa dinh thự họ Vương.
Một góc Khu di tích nhà Vương. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết: Ngày 19/7/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang giao cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và phát triển quỹ đất phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Văn (đơn vị được UBND huyện Đồng Văn giao quản lý Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương) thực hiện đăng ký, kê khai và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương. Ngày 11/9/2012, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu di tích cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn.
Sau khi kiểm tra, xác minh quy trình cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai, Luật Di sản và các hồ sơ, giấy tờ liên quan, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang xác định: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn là không phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình cấp quyền sử dụng đất, chưa thực hiện công khai nội dung hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có quyền lợi liên quan biết để tiếp thu ý kiến phản hồi, dẫn đến sự nhầm lẫn, thiết sót.
Sau khi kiểm tra, xác minh quy trình cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai, Luật Di sản và các hồ sơ, giấy tờ liên quan, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang xác định: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn là không phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình cấp quyền sử dụng đất, chưa thực hiện công khai nội dung hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có quyền lợi liên quan biết để tiếp thu ý kiến phản hồi, dẫn đến sự nhầm lẫn, thiết sót.
Một góc Khu di tích nhà Vương. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Được biết, tháng 10/1991 tỉnh Hà Giang được tái lập. Sau khi tái lập tỉnh, Hà Giang chưa có di tích nào được kiểm kê khoa học và công nhận bảo vệ. Nhằm bảo tồn những di sản văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống, nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiến hành khảo sát, lập hồ sơ một số di tích có đủ các tiêu chí theo “Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng canh” được ban hành năm 1984. Trong 3 năm từ 1992 - 1994, tỉnh Hà giang đã có 4 di tích được công nhận, trong đó di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn được công nhận là di tích quốc gia.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang: Di tích đã trải qua nhiều năm sử dụng chưa được tu sửa, bị dột nát, hư hỏng nhiều dẫn đến nguy cơ bị xuống cấp trầm trọng. Sau khi được công nhận di tích quốc gia, Nhà nước đã quan tâm bảo vệ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích. Vào thời điểm năm 1993, Nhà nước bắt đầu có chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích, UBND tỉnh Hà Giang xây dựng dự án bảo tồn di tích, đến tháng 3/2003 dự án được phê duyệt với số kinh phí trên 6 tỷ đồng và đã được triển khai thực hiện, khánh thành ngày 28/5/2005. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập ban chỉ đạo để điều hành thực hiện dự án và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc vận động để các hộ gia đình di dời ra ngoài khu di tích, thuận lợi cho việc trùng tu tôn tạo.
Sau khi di tích được trùng tu, tôn tạo, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3316/QĐ-UBND ngày 11/12/2006 giao Sở Văn hóa Thông tin quản lý; đến tháng 12/2006 di tích được bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý. Từ khi di tích được bàn giao cho huyện Đồng Văn quản lý, về cơ bản di tích được bảo vệ tốt để phục vụ khách quan tâm. Huyện Đồng Văn đã chủ động di dời khu chợ và cửa hàng lương thực để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ di tích, xây dựng ki ốt để trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương, thành lập tổ quản lý, khai thác di tích, trong đó ưu tiên con cháu nhà họ Vương vào làm việc.
Minh Tâm
TTXVN