Người dân thôn Đông Cáp 2, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: baohagiang.vn |
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, thực hiện Nghị quyết số 87 ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án quy tụ các hộ dân sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới về sống tập trung tại các thôn, bản gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh đã có 4.692 hộ được thực hiện quy tụ dân cư, đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong số đó, có 929 hộ thuộc xã biên giới; 3.599 hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai và 164 hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí được duyệt và cấp cho các đơn vị lên đến gần 89 tỷ đồng; đã thanh toán, giải ngân đạt 99,78%... Qua 2 năm thực hiện, đề án đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng người dân, kiểu dáng nhà các hộ tự làm phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, từng địa phương, hạn chế được sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tăng thêm sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trước đây gia đình chị Đặng Thị Hạnh sống tận trên triền núi cao ở thôn Tả Sín Chư, xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ không có đường bê tông nên việc đi lại rất khó khăn. Vào mùa mưa bão hàng năm thường xảy ra đá lăn, vào ban đêm gia đình chị Hạnh thường xuyên không dám ngủ. Được sự tuyên truyền của huyện Quản Bạ và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước 50 triệu đồng, tháng 6/2018 gia đình chị Hạnh đã di chuyển từ triền núi cao xuống gần đường bê tông, không lo việc sạt lở và thuận tiện cho việc phát triển kinh tế. Giờ đây ngôi nhà mới xây của gia đình chị Hạnh đã xong, con cái đi học thuận tiện không phải đi xa, gia đình không lo mưa lớn sạt lở đất, rất thuận tiện cho việc phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến, cái được lớn nhất của đề án là 4.692 hộ dân đang sinh sống tại các huyện vùng cao trước nhiều tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, sống rải rác không tập trung tại các sườn đồi, khe vực sâu… nay được quy tụ thành các điểm tập trung chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, đông vui trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Hà Giang là tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có địa hình bị chia cắt bởi các đồi núi cao và các hệ thống sông, suối tạo nên những vùng miền có độ dốc lớn, cùng phong tục, tập quán của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường định cư sinh sống rải rác tại lưng chừng núi cao. Đời sống của người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự cung, tự cấp; việc giao lưu học hỏi và tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và trao đổi mua bán hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong những năm gần đây do ảnh hưởng tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra diễn biến phức tạp khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và đời sống, sinh hoạt của con người, nhất là các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới của Hà Giang.
Minh Tâm