Hà Giang nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với thế mạnh địa phương

Hà Giang nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với thế mạnh địa phương
Sình Mí Cơ, ở thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc vườn lê của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Sình Mí Cơ, ở thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc vườn lê của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, xác định kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Hà Giang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tính đến cuối năm 2018, Hà Giang có 623 hợp tác xã với 21.829 thành viên, vốn hoạt động gần 1.336 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 567 hợp tác xã đang duy trì hoạt động; trong đó có 362 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Các hợp tác xã đã tích cực giải quyết các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giúp nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo, ổn định cuộc sống… Với phương châm “Chung sức cùng thành công”, nhiều mô hình hợp tác xã của Hà Giang đã có nhiều cách làm hay sáng tạo. Điển hình như: Hợp tác xã Tuấn Dũng huyện Mèo Vạc đã liên kết với trên 100 hộ dân trên địa bàn để phát triển 2.200 đàn ong. Năm 2018 sản lượng mật ong bạc hà của hợp tác xã đạt trên 15.000 lít, giá trị trên 6,5 tỷ đồng, đưa mức thu nhập cho người lao động đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của người dân đã được hợp tác xã bao tiêu, tạo thêm thu nhập, gia tăng giá trị sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các thành viên hợp tác xã và người dân địa phương.
Anh Sình Mí Cơ (thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Anh Sình Mí Cơ (thôn Má Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Không chỉ ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hợp tác xã nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc thuộc huyện Bắc Quang trồng và chăm sóc cam VietGAP với tổng diện tích gần 300 ha; trong đó có 120 ha trồng tại xã và trên 170 ha trồng ở các xã lân cận, với năng suất bình quân đạt 17 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng gần 3.000 tấn, doanh thu đạt gần 45 tỷ đồng/năm. Việc xây dựng và phát triển hợp tác xã trên địa bàn xã Vĩnh Phúc đã giúp người dân ở đây kết nối với thị trường tiêu thụ đem lại nguồn thu nhập ổn định. Với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, hỗ trợ có hiệu quả cho kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như Hợp tác xã Hải Khang ở huyện Bắc Quang đã thực hiện chuỗi giá trị thực phẩm sản phẩm lợn đen, gà địa phương từ tự chăn nuôi - chế biến (đóng gói, gắn tem, nhãn mác sản phẩm) - tiêu thụ sản phẩm… đưa doanh thu mỗi năm của hợp tác xã đạt trên 2 tỷ đồng. Với những lợi thế sẵn có về vùng dược liệu của Cao nguyên đá Đồng Văn, Hợp tác xã Nặm Đăm thuộc huyện Quản Bạ đã tiên phong trong sản xuất, chế biến dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú như: Bài thuốc chữa xương khớp, cao dược liệu ngâm chân, cao Atiso, trà gừng, mật ong, thuốc trị viêm xoang… Chỉ tính riêng trong năm 2018, hợp tác xã đã chế biến được hơn 1.000 lọ sản phẩm dược liệu các loại, doanh thu đạt 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của các thành viên hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/người/tháng.Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo chiều sâu Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc giải thể hợp tác xã ở Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nhiều hợp tác xã không hoạt động, không tìm thấy địa chỉ, nợ thuế không có khả năng trả, nợ vốn ngân hàng… Hơn nữa, phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tính chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã còn hạn chế. Nhiều cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã còn thiếu năng động, nhạy bén, yếu về chuyên môn nghiệp vụ…
Lầu Sính Sủng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Lầu Sính Sủng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Hà Giang hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng: Năm 2019 và những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh Hà Giang tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo chiều sâu trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã. Tỉnh chú trọng xây dựng, nhân rộng các hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hợp tác xã, liên kết với hợp tác xã theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào cho sản xuất, trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm mới theo chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên lồng ghép bố trí các nguồn vốn, các chương trình kinh tế, các dự án phát triển kinh tế - xã hội với phát triển kinh tế tập thể.
Minh Tâm

Có thể bạn quan tâm