Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương nghiêm túc thực hiện chế độ trực, đồng thời triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống thiên tai.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở các khu vực trọng yếu giúp người dân chủ động phòng, chống; vận động người dân ở khu vực có nguy cơ cao, di chuyển đến nơi an toàn. Khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ theo đúng quy định; xử lý tốt các thông tin về thời tiết. Khi phát sinh các tình huống, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, khắc phục kịp thời. Tuyên truyền cho người dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện không đánh bắt cá trên mặt hồ khi nhà máy thủy điện xả lũ, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trong những ngày vừa qua (đặc biệt từ ngày 22/5 - 24/5) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có mưa vừa, mưa to gây ngập úng cục bộ, thiệt hại nặng nề về nhà cửa và diện tích nông nghiệp, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở gây ách tắc trong nhiều giờ… tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên hơn 8 tỷ đồng.
Tính đến tối 24/5, mưa lớn đã làm hàng chục ngôi nhà của người dân bị đất đá sạt lở vào nhà, trong đó có nhà bị sập hoàn toàn. Hàng trăm ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng; hơn 200 con gia súc, gia cầm bị chết do nước lũ cuốn trôi.
Tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Mèo Vạc xảy ra hàng chục điểm sạt lở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn với khối lượng sạt lở hàng nghìn m3 đất, đá vùi lấp mặt đường.
Ngay khi thiên tai xảy ra, Thường trực UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang phối hợp với các huyện kiểm tra, rà soát tình hình thiệt hại đối với cây trồng, thủy sản. Triển khai các giải pháp để khôi phục sản xuất cho người dân kịp thời.
UBND 11 huyện, thành phố triển khai các lực lượng để hỗ trợ khắc phục đối với những hộ có nhà ở bị hư hỏng, khôi phục diện tích cây trồng bị thiệt hại. Hướng dẫn và giúp đỡ người dân thu hoạch các sản phẩm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đặc biệt, đối với các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng phải có phương án sơ tán người dân.
Sở Giao thông Vận tải Hà Giang tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến đường giao thông thuộc ngành quản lý đã bị sạt lở, các tuyến đang thi công và các điểm có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, ách tắc để có phương án, bố trí và hỗ trợ máy móc, nhân lực tại các vị trí này để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Sở Công thương Hà Giang đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra việc vận hành các hồ chứa thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là trên hệ thống sông Lô, sông Miện; chỉ đạo các thủy điện thực hiện tốt công tác vận hành giữa các hồ chứa để có thể ngăn lũ, điều tiết lũ, đảm bảo an toàn cho vùng thượng lưu và hạ du.
Minh Tâm