Góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hai Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: ông Tráng A Pao, Phó Chủ tịch không chuyên trách và ô ng Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đều đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống; hoàn thiện chính sách cho đồng bào các dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...
Một bản tái định cư của đồng bào Thái ở thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Ảnh: TTXVN |
Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, Đảng cần tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc bởi vấn đề này có tính đặc thù quan trọng, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa mang tính thời sự cấp bách. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quyết tâm, chủ động giải quyết tốt vấn đề này.
Ông Lù Văn Que nhận định: Để đổi mới công tác dân tộc cần tập trung làm những việc then chốt như: Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận - tư duy mới về dân tộc. Đảng phải tổng kết thực tiễn giải quyết vấn đề dân tộc của Việt Nam và thế giới để đúc rút thành lý luận, có tư duy mới về dân tộc theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh, cho xứng với “vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn” của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới. Có lý luận - tư duy mới về dân tộc soi sáng thì mới làm tốt công tác dân tộc.
Quản lý nhà nước về dân tộc cần có Luật Dân tộc Việt Nam, thể chế hóa Điều 5 và các điều khác có liên quan của Hiến pháp năm 2013, chính là để chủ động giải quyết tốt vấn đề dân tộc; việc này đã đặt ra từ Đại hội VIII của Đảng, là việc làm hợp lòng dân. Khi Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, Chính phủ ban hành quy định thực hiện cụ thể chính sách dân tộc phải hợp lòng dân, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết toàn dân tộc, có tính khả thi, đạt hiệu quả cao; khắc phục cho được những bất cập không đáng có. Việc làm có ý nghĩa quyết định là xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán. Đây là “cái gốc của mọi công việc” thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên – người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém; cũng là đáp ứng mong muốn của các dân tộc: “nhỏ như con ong, con kiến cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là con người ” – ông Que phân tích.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI trình Đại hội XII, đối với nội dung đoàn kết các dân tộc, ông Lù Văn Que nhấn mạnh: Đoàn kết các dân tộc là một việc cụ thể trong vấn đề dân tộc, vì vậy cần xác định đúng vị trí của vấn đề dân tộc như trong Văn kiện Đại hội X của Đảng. Việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phải thêm bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau phát triển. Thực tiễn cho thấy, khi xây dựng cơ chế, chính sách, không nắm vững các mối quan hệ của các nguyên tắc đó, cơ chế, chính sách sẽ có bất cập khó lường. Cùng với chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cần thêm người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc. Công tác dân tộc do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lo giải quyết, trước hết là người dân tộc. Mọi việc làm dân phải biết, được bàn, được quyết, được kiểm tra, giám sát… Các cấp có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể để đồng bào tự làm, không áp đạt, không ban ơn, không làm thay. Phải dùng người tốt và việc tốt, những người tiêu biểu trong các dân tộc, từng dòng họ của các dân tộc quản lý, giáo dục, vận động nhau đi theo Đảng và Bác Hồ, sẽ có hiệu quả hơn.
Muốn đoàn kết, hòa hợp được các dân tộc và các tôn giáo phải nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc, phương pháp đoàn kết của Đảng và Bác Hồ; phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Khi nào, ở đâu chưa giải quyết hài hòa lợi ích thì khó có bình đẳng và đoàn kết thực sự; đồng thời phải nắm chắc lòng dân từng giây, từng phút như Bác Hồ dạy, xây được tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong lòng dân, để đồng bào các dân tộc thấy thiếu nó thì không sống được, biến nó thành ý thức tự nguyện, khi đó mới có sức mạnh đại đoàn kết thực sự từ lòng người dân Việt Nam ta.
Cho ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, ông Tráng A Pao, Phó Chủ tịch không chuyên trách, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, cần bổ sung mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế trong 5 năm tới. Điển hình là việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại 62 huyện nghèo theo Quyết định 30a của Chính phủ.
Theo ông Tráng A Pao, trong 5 năm tới cần tập trung xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện đặc biệt khó khăn với lộ trình thời gian cụ thể. Việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số cần tích cực, đầu tư nhiều nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đối với đồng bằng, trung du, miền núi cần có các tiêu chí khác nhau./.