Góp phần hoàn thiện chính sách về trợ giúp cho nhóm dễ bị tổn thương

Góp phần hoàn thiện chính sách về trợ giúp cho nhóm dễ bị tổn thương
Hội thảo nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội cho nhóm dễ bị tổn thương; khuyến khích và tăng cường sự tham gia của toàn xã hội trong việc trợ giúp xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương, huy động các nguồn lực về tài chính và con người; tăng cường hợp tác giữa các tổ chức nhân dân Việt Nam với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường trợ giúp cho nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: dangcongsan.vn
Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: dangcongsan.vn

Tham dự hội thảo gồm Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Hoàng Vân; Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung tại Việt Nam Liliane Danso; các diễn giả đến từ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội bảo vệ quyền trẻ em; Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam…

Ông Đồng Huy Cương, Tổng Thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, là một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh lại thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với các tác động của kinh tế thị trường. Do đó, hiện nay số người thuộc nhóm dễ bị tổn thương rất lớn.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số người thuộc nhóm dễ bị tổn thương của Việt Nam chiếm hơn 20% dân số cả nước, trong đó có khoảng 9,2% triệu người cao tuổi; 7,2% triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 5% hộ nghèo; 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa; 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; 204 nghìn người nghiện ma túy; khoảng 30 nghìn nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình…

Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố… Các nhóm này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản đối với xã hội, liên quan đến tự chủ, lợi ích, trách nhiệm, tự tôn, hỗ trợ cộng đồng, y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, vốn và các hệ thống hỗ trợ.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những chính sách cụ thể để hiện thực hóa các biện pháp hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân, phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế cũng đã có rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhóm người yếu thế như hỗ trợ vốn, đào tạo dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tiếp cận các dịch vụ công… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó một phần do các quy định pháp lý có những điểm chưa triệt để và rõ ràng. Cùng với đó là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ cơ sở, nguồn lực Nhà nước có hạn… dẫn đến nhận thức và việc tiếp cận các biện pháp của Nhà nước cũng như của các tổ chức nhân dân và phi chính phủ khác đối với nhóm người dễ bị tổn thương còn nhiều hạn chế.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: thoidai.com.vn
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: thoidai.com.vn

Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung tại Việt Nam Liliane Danso bày tỏ hy vọng, thông qua Hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận về khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách của Việt Nam, cũng như của Đức về việc trợ giúp xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động, những mô hình hay của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế; chia sẻ những khó khăn thách thức mà các tổ chức gặp phải trong quá trình triển khai; nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội trong thời gian tới.

Ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Phòng Chính sách và Bảo trợ Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành cũng như của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trợ giúp xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, với khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước, xu hướng quốc tế; đồng thời từng bước tiếp cận mức sống tối thiểu trong từng thời kỳ, trong đó ưu tiên người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, người sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Trợ giúp xã hội phải đa dạng về mô hình, toàn diện cả về vật chất và tinh thần, phù hợp với vòng đời con người, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ chính sách cho người khuyết tật ở Đức, bà Iris Assenmacher, Tham tán về các vấn đề xã hội, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết: Đức hiện có khoảng 7,6 triệu người khuyết tật nặng (9,3% dân số) và 3 triệu người khuyết tật nhẹ (3,7%). Quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề an sinh xã hội với người khuyết tật là kết hợp các quy định và chính sách trong mọi lĩnh vực (trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ việc làm…) nhưng vẫn chú trọng đến quyền tự quyết của người khuyết tật. Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội cho người khuyết tật ở Đức cũng được kết hợp với chính sách thị trường lao động chủ động, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội, chính sách về giáo dục và dịch vụ xã hội cơ bản…

Trong hai ngày diễn ra hội thảo với hai phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận, trao đổi về một số vấn đề như: Đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội Việt Nam; Hệ thống bảo trợ xã hội Đức; Hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương – kinh nghiệm của một số tổ chức phi chính phủ địa phương; Tổng quan về bảo trợ xã hội ASEAN dành cho người khuyết tật; Trợ giúp xã hội cho người lao động nhập cư…
Lan Anh 

Có thể bạn quan tâm