Giữ hồn thổ cẩm cho đại ngàn

Giữ hồn thổ cẩm cho đại ngàn
Nghệ nhân K’Chiên đã qua 72 mùa rẫy vẫn lưu giữ nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Nghệ nhân K’Chiên đã qua 72 mùa rẫy vẫn lưu giữ nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Đã 72 mùa rẫy, bên khung cửa ngôi nhà gỗ, nghệ nhân K’Chiên (thôn 1, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) say sưa ngồi dệt thổ cẩm trong cơn mưa trắng trời. Đôi tay hằn sâu vết thời gian thoăn thoắt đưa qua đưa lại, luồn cuộn chỉ qua tấm ùi dang dở, ánh mắt không rời tành ùi (khung dệt đơn sơ là những thanh lồ ô vót nhẵn và khúc lồ ô tròn). Bà K’Chiên kể, khi còn là một em bé gái, bà đã học nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ mẹ và bà ngoại. Khi thành thiếu nữ 15 tuổi, bà đã dệt thành thạo được váy áo, chăn và cái tấm ùi. Thời của bà, các thiếu nữ K’Ho trong buôn làng đều biết dệt thổ cẩm. Đời sống khó khăn, đường đến buôn làng xa xôi khó đi, phụ nữ trong gia đình không chỉ đi nương làm rẫy mà phải dệt vải lo cái mặc cho cả gia đình. Công việc tỉ mỉ từ việc trồng bông trên rẫy, xe sợi, nhuộm sợi (bằng nhựa cây rừng) đến giăng sợi, rồi dệt thành những tấm ùi có chiều ngang chừng 1,2 m (vừa tầm với 1 sải tay), còn dài bao nhiêu là tuỳ công dụng (làm váy áo, chăn đắp, ùi địu con...). Khâu quan trọng nhất chính là dệt, không chỉ đòi hỏi từng mũi vải, canh chỉ đều, đẹp, bền chắc, mà hoa văn trên tấm ùi cũng làm nên vẻ đẹp chính của thổ cẩm. Vừa dệt, nghệ nhân K’Chiên vừa chú ý đến mép vải, đến chỗ phải lên - xuống, nhấn nhá để những nét họa tiết từ những sợi chỉ màu đỏ, màu vàng (tượng trưng cho mặt trời và ánh nắng) nổi bật trên nền màu xanh đậm (tượng trưng cho màu của núi rừng). 
Chỉ vào khung dệt đang dang dở, nghệ nhân K’Chiến nói: “Hơn 1 tuần mà mới dệt được chỉ từng này thôi, lâu lắm”. Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, mùa mưa ở Đưng K’Nớ kéo dài tối - ngày, mưa giăng trắng, mây mù bao phủ núi rừng như thể chỉ thấy trời và nước, không ai có thể lên rẫy, hay đi ra khỏi nhà làm bất cứ việc gì. Từ thời còn chưa bắt chồng, K’Chiên vẫn dùng thời gian mùa mưa để dệt vải, hết ngày này qua ngày kia, kéo dài 6 tháng. Đến khi có chồng con, bà dệt vải để có cái mặc cho chồng con, còn bây giờ dệt để ai mua thì bán. Cặm cụi dệt nhưng cả tuần cũng chỉ được một khúc thổ cẩm chưa tới 1 m. Để hoàn thành một tấm thổ cẩm thì cũng phải mất cả tháng, bán được chừng 800 ngàn đến 1 triệu đồng. Bây giờ có sợi công nghiệp, đỡ đi công đoạn tạo ra và chế biến nguyên liệu (trồng bông vải, kéo sợi, nhuộm sợi). Nghệ nhân K’Chiên so sánh: Sợi công nghiệp được xe bằng máy móc nên đều, đẹp và bền, không làm kém đi mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp của thổ cẩm truyền thống. Tác tạo nên thổ cẩm không chỉ mất công sức, mà còn là cả sự sáng tạo, óc thẩm mỹ, công phu, lại ít người “cạnh tranh”, nhưng sản phẩm của nghệ nhân K’Chiên dù được ưa chuộng cũng không phải dễ bán.
Trong số hơn 10 người cả con và cháu gái của bà K’Chiên chỉ có vài người “chịu” học dệt, nhưng cũng không ai muốn bắt tay làm công việc cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo này. Ai cũng bảo, muốn có cái mặc, chỉ cần đi làm rẫy lấy tiền mua quần áo may sẵn, tiện dụng, mặc nhẹ, giặt mau khô... Trong buôn làng, những nghệ nhân lành nghề, yêu nghề như K’Chiên đang dần hiếm đi, chỉ số ít người ở tầm tuổi 50 - 60 là biết dệt, nhưng trong đó rất ít người tha thiết với tành ùi. Bà K’Chiên ngậm ngùi nhớ lại: Xưa kia, đường vào buôn gập ghềnh, phải đi Cổng Trời cheo leo, làng buôn nằm sâu giữa rừng già, núi thẳm, nên trai gái trong buôn, người già, trẻ em ai cũng mặc váy áo thổ cẩm, mỗi người vài ba bộ, giữ ấm cơ thể. Nhiều bộ thổ cẩm mặc nửa đời mới rách... Bây giờ váy áo truyền thống trở thành một vật dụng “xa xỉ”, mỗi năm chỉ mặc đôi lần dịp lễ, Tết, biểu diễn trên sân khấu, người biết dệt sẵn có để mặc, những người không biết dệt thì không phải ai cũng mua sắm cho mình. 
Trong cơn mưa nặng hạt, K’Chiên vẫn say sưa ngồi dệt, một mình, con cháu mỗi người mỗi việc. Yêu tành ùi, yêu thổ cẩm, bà vẫn quyết tâm giữ nghề, nghề cũng làm bà vui tuổi già. Bà luôn mong muốn mỗi khi bà mang ta tành ùi ra dệt, các con các cháu quẩn quanh bên mình, để bà được truyền “bí kíp” của nghề, giống như bà đã từng quanh quẩn bên bà và mẹ từ thời bé.
Theo baolamdong.vn

Có thể bạn quan tâm