Cứ mỗi năm qua đi, số người chỉnh chiêng lại ít dần. Tuy nhiên, việc truyền thụ cho thế hệ trẻ gặp muôn vàn khó khăn.
Trăn trở với nghề giữ “hồn chiêng”
Vừa tới đầu làng, khi chúng tôi hỏi nhà ông Rơ Châm Gúk (45 tuổi, làng Mnông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai), một già làng đáp ngay: “Các anh đến tìm ông Gúk để chỉnh chiêng hay sao? Nhà ông ấy, cũng đang có mấy người vừa tới nhờ chỉnh đó. Các anh đi gần cuối con đường, nghe nhà nào có tiếng chiêng phát ra thì đó là nhà ông Gúk”.
Lần theo sự chỉ dẫn và tiếng chiêng ngân vang, chúng tôi tìm đến nhà ông Gúk. Lúc này, trước căn nhà sàn gỗ đang có hơn chục người tạo thành vòng tròn, vừa đi vừa đánh chiêng. Tiếng chiêng vang vọng, lan tỏa cả 1 vùng đồi núi. Bản nhạc kết thúc, ông Gúk lấy cái búa sắt nhỏ gõ liên tiếp lên khắp mặt cái chiêng lớn. Ông Gúk tiếp tục kê chiêng lên đế gỗ, dùng búa và thanh sắt bắt đầu “chỉnh giọng” cho chiêng.
Trong lúc chỉnh, thỉnh thoảng ông Gúk lại cầm lên đánh mấy tiếng. Lúc ông đánh, tiếng chiêng vang lên cũng là lúc khuôn mặt ông căng ra, thể hiện sự tập trung cao độ. “Người chỉnh chiêng phải biết dùng cái tai thính để nghe chiêng và nhận ra chiếc nào có âm bị lạc. Khó là ở chỗ người chỉnh chiêng vừa phải có thâm niên chơi cồng chiêng, vừa phải thẩm thấu được tiếng chiêng" - ông Gúk tâm sự.
Theo ông Gúk, bộ chiêng ông đang chỉnh là bộ rất quý của làng bên. Mặc dù quý, nhưng bộ chiêng này sắp chuẩn bị được đem đi biểu diễn nên phải nhờ ông xem lại. Hầu như khi đem chiêng ra sử dụng trong các lễ hội hay các nghi lễ, chiêng phải được kiểm tra lại, xem thử tiếng chiêng có vang, có phát ra hết nội lực không. Chiêng tốt phải là tiếng chiêng đánh lên “tai Yàng” (thần linh) nghe được.
Rời nhà ông Gúk, chúng tôi ghé nhà già Rơ Chăm Uek (91 tuổi, làng Ngó, xã Ia Ka). Mặc dù tai không còn thính, tay không còn khéo, nhưng già Uek vẫn còn hăng say với công việc chỉnh chiêng của mình. Già Uek cho hay, già biết đánh chiêng hồi còn bé, nhưng mãi đến năm 30 tuổi thì mới biết chỉnh chiêng. Đến nay, già chẳng nhớ đã chỉnh cho bao nhiêu bộ chiêng nữa, chỉ biết là rất nhiều.
Giờ tuổi già đã cao, muốn chỉnh được chiêng phải nhờ con mình nghe tiếng chiêng, phát hiện cái nào bị lạc âm mới sửa. Sửa xong lại bảo con nghe lại đã chuẩn chưa. Chứ không như hồi trẻ, cả bộ chiêng đánh chỉ cần nghe là biết cái nào cần chỉnh. “Ở cái tuổi của già, đôi tai giờ không còn thính, tay bắt đầu run nên nhiều lúc chỉnh chiêng không được ưng cái bụng nữa. Với cái đà này, khoảng một hoặc hai năm tới, già sẽ không thể chỉnh chiêng được nữa” - già Uek nói.
Nguy cơ mai một “hồn chiêng”
Già Uek chia sẻ thêm: Để chỉnh chiêng giỏi, cần phải có tai nghe âm thanh thật chuẩn và đôi tay cầm búa thật khéo. Bởi âm thanh chuẩn chính là cái mà những nghệ nhân dày công gò đi, gò lại để tìm được. Đôi bàn tay phải khéo, để biết cách gõ như thế nào, để tìm được âm thanh đúng mà không làm chiêng bị hư. Có người chỉnh, khiến chiêng bị hư, chủ chiêng phạt cho cả mấy con bò.
Già Uek cho biết, nhiều người muốn học, già cũng muốn truyền nhưng học mãi không được. Nhiều người đánh chiêng giỏi nhưng không phân biệt được tiếng chiêng cao hay thấp, cái nào bị lệch âm. Cái tai thính phân biệt tiếng chiêng là “Yàng” ban cho, không tự nhiên mà học được, cũng không ai dạy được.
Theo ông Ksor Sum - Chủ tịch UBND xã Ia Ka, địa bàn xã có 4 người biết chỉnh chiêng, trong đó có 2 người được công nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng. Phần lớn những người này đã già, còn lớp trẻ cũng chưa tìm được ai để kế cận. Việc chỉnh chiêng không có công thức nên học là rất khó, phải có năng khiếu bẩm sinh mới học được. “Người chỉnh chiêng quan trọng lắm. Vì có chiêng mà không có người chỉnh thì coi như bộ chiêng đó chỉ treo để ngắm” - ông Sum nói trong lo lắng.
Trong khi đó, ông Ksor Phúc - Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL Gia Lai cho biết, tỉnh có 6 người được công nhận nghệ nhân chỉnh chiêng. Riêng số lượng người biết chỉnh thì nhiều hơn.
Còn tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của Sở VH-TT&DL trên địa bàn tỉnh có 1.916 bộ cồng chiêng. Tại các làng trong tỉnh hầu hết đều có các đội chiêng. Tuy chiêng còn khá nhiều, nhưng người biết chỉnh chỉ có trên 20 nghệ nhân. Đa số các nghệ nhân chỉnh chiêng trong tỉnh đều đã lớn tuổi.
Người chỉnh chiêng trước hết phải là người chơi chiêng giỏi. Nhưng giỏi chơi chiêng, có tai nghe mà không hiểu vật lý, cơ khí thì cơ hồ cũng khó biết gõ vào đâu để “thổi hồn” âm sắc cho cồng chiêng. Huyện Chư Pah có nhiều đội cồng chiêng với hàng trăm nghệ nhân chơi cồng chiêng, nhưng người có thể nói là biết chỉnh chiêng chỉ chưa đếm hết một bàn tay. Thế nên những nghệ nhân tên tuổi như ông Gúk hay già Uek là những người chỉnh chiêng cho cả một vùng, chứ không riêng gì cho đội chiêng của làng, của xã.
Theo giaoducthoidai.vn