Nằm trong Quần thể danh thắng Tam Cốc - Bích Động (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), Làng nghề thêu ren Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải là một trong những nơi hội tụ những tinh hoa của nghề thêu ren ở Việt Nam. Trải qua hàng thế kỷ, nghề truyền thống này vẫn được người dân lưu giữ và phát triển với những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nét tinh hoa của mảnh đất Cố đô
Để giới thiệu những nét đặc trưng tiêu biểu của sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương phục vụ du lịch, đặc biệt là văn hóa nghề truyền thống đặc sắc làm nên nét đẹp của Tam Cốc - Bích Động, từ năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Ban Quản lý Làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) tổ chức cuộc thi Bàn tay vàng Thêu ren. Qua 2 lần tổ chức, cuộc thi góp phần phát động phong trào thi đua, động viên, khích lệ các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy tình yêu nghề, giữ gìn, bảo tồn nghề thêu ren. Đây cũng là dịp để các thợ thêu trình diễn những kỹ thuật, kỹ năng làm nghề và giới thiệu tới du khách nét đẹp của làng nghề.
Ban Tổ chức cho biết, tham gia cuộc thi năm nay có 21 thí sinh, đều là những người thợ có tay nghề cao ở Làng nghề thêu ren Văn Lâm. Các thí sinh được vào vòng chung khảo tham gia thi trình diễn tay nghề trực tiếp tại khu trưng bày triển lãm. Các thí sinh thực hiện 1 bài thi thêu 1 bức tranh (bao gồm cả thêu trắng và thêu mầu) theo mẫu do Ban Tổ chức cung cấp.
Chị Trịnh Thị Hằng (xã Ninh Hải) chia sẻ: "Cuộc thi Bàn tay vàng Thêu ren được tổ chức khiến những người làm nghề như chúng tôi rất phấn khởi. Đây là nơi những người thợ được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi về những kỹ năng trong nghề. Đặc biệt, cuộc thi được tổ chức ngay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã thu hút đông đảo du khách. Qua đó, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của làng nghề".
Theo chị Hằng, nét đặc sắc chỉ có ở Làng thêu ren Văn Lâm đó là kỹ thuật thêu đơn sắc, thậm chí là chỉ dùng chỉ màu trắng. Tức là người thợ không dùng màu sắc tạo nên nét sinh động của bản thêu, mà sử dụng chính sự đơn sắc của vải, của chỉ làm nổi bật sự khéo léo của người thợ và nét tinh xảo của tác phẩm. Đặc điểm của nghệ thuật thêu ren Văn Lâm là sử dụng công cụ thô sơ nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ cao của người thợ trong trong từng chi tiết. Nếu các tác phẩm thêu thông thường quan trọng ở khâu châm nét, giữ mũi thêu cho đều thì thêu bằng chỉ trắng đòi hỏi người thợ phải khéo léo bởi nếu đường thêu thô xấu sẽ dễ bị lộ. Người thợ thêu phải tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ để thổi hồn vào sản phẩm. Qua đó, gửi gắm tình cảm, tâm huyết với nghề của người thợ. Với nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, làng nghề thêu ren đã truyền lại những kỹ thuật và bí quyết gia truyền từ cha ông, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp với đường nét tinh xảo.
Những đặc trưng độc đáo ấy của thêu ren Văn Lâm có được từ chính lịch sử ra đời cũng rất đặc biệt của nghề. Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm có trên 700 năm tuổi. Tương truyền rằng, nghề thêu xuất hiện từ khi Vua Trần thắng giặc Nguyên Mông, dân làng đã được bà Trần Thị Dung dạy cho cách chăn tằm, dệt vải, thêu thùa. Thế kỷ XX, trong làng có 2 anh em dòng họ Đinh lên Hà Nội học thêm nghề thêu ren của người Pháp về dạy cho dân làng. Từ đó đến nay, sản phẩm thêu tay của Văn Lâm phát triển mạnh mẽ.
Các sản phẩm thêu ren từ Văn Lâm không chỉ đẹp mắt mà còn thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của người nghệ nhân. Những họa tiết, hoa văn độc đáo và sử dụng màu sắc truyền thống của văn hóa dân tộc đã tạo nên dấu ấn đặc trưng cho làng nghề. Các tác phẩm thêu ren được sử dụng trong trang phục, tranh thêu và đồ trang trí mang lại sự sang trọng và độc đáo cho không gian sống và văn hóa của người dân Ninh Bình. Hiện nay, sản phẩm của Làng nghề thêu ren Văn Lâm rất đa dạng và phong phú về chủng loại với nhiều kiểu dáng và mẫu mã khác nhau, từ tranh thêu trắng, thêu màu nghệ thuật cho đến các sản phẩm ren có kỹ thuật và mỹ thuật cao. Tất cả đều được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, yêu nghề và cần cù lao động.
Giữ gìn và bảo tồn làng nghề
Trải qua hàng thế kỷ, đến nay người dân Văn Lâm vẫn lưu giữ nghề truyền thống và phát triển bằng những sản phẩm thêu tay độc đáo có độ tinh xảo cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2019, nhiều sản phẩm của Làng nghề thêu ren Văn Lâm đã được đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao. Tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm của Làng thêu ren Văn Lâm có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội lớn, các sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng bá sản phẩm trong nước và nước ngoài; đồng thời, được hỗ trợ về bao bì, logo. Qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Chị Đinh Thị Ngân, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn thêu Minh Trang (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết, tuy nghề thêu ren đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại công nghệ số nhưng làng nghề này tại Ninh Bình nói chung và công ty đã và đang linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với xu hướng mới. Công ty tạo ra những thiết kế thêu ren phù hợp với phong cách và xu hướng thời trang hiện đại. Đến nay, các sản phẩm của công ty không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu thích mà còn được nhiều khách hàng tại các nước như Đức, Nhật, Anh... đặt hàng.
Với sự quan tâm và đánh giá cao về giá trị văn hóa, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Làng nghề thêu ren Văn Lâm là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Đây là bước quan trọng trong việc tôn vinh và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của Ninh Bình. Từ đó, việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giới hạn trong làng nghề thêu ren Ninh Bình mà còn lan tỏa ra cộng đồng. Những khóa đào tạo và hội thảo về nghề thêu ren đã được tổ chức để truyền dạy kỹ thuật và kỹ năng cho thế hệ trẻ, đảm bảo nghề thêu ren không bị mai một và tiếp tục phát triển trong tương lai. Đồng thời, việc xây dựng các chương trình du lịch văn hóa quanh làng nghề thêu ren cũng giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của Ninh Bình.
Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), là làng nghề nằm trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, ngay tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Văn Lâm có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa nét văn hóa làng nghề cũng như những sản phẩm truyền thống đến gần hơn với du khách và bạn bè quốc tế. Do vậy, để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Ninh Hải đã có nghị quyết chuyên đề đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Hằng năm, xã đã phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề để dạy nghề cho người dân; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác truyền nghề, đào tạo nghề cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Ninh Bình tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thiện sản phẩm du lịch làng nghề, xử lý triệt để môi trường làng nghề; quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch của tỉnh. Theo đó, dự kiến xây dựng 4 tuyến du lịch kết hợp với làng nghề, trong đó có tuyến du lịch gắn với Làng nghề thêu ren Văn Lâm. Đồng thời, xã Ninh Hải sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết khu làng nghề thêu ren truyền thống, xây dựng khu trưng bày sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển du lịch làng. Với những doanh nghiệp muốn mở rộng nhà xưởng, xã sẽ tạo mọi điều kiện, nhất là về mặt bằng để đầu tư phát triển.
UBND xã khuyến khích các doanh nghiệp và người dân làm nghề thêu tập trung đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, nghiên cứu thiết kế đa dạng mẫu sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch và xuất khẩu; mở rộng liên doanh, liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hải Yến