Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca dao cho thấy ý nghĩa thiêng liêng, sự gắn kết, gần gũi của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt, là nơi mà mỗi người dân Việt Nam dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng vẫn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc riêng biệt, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.

* Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

Để tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc và tỏ lòng biết ơn công lao của các vị anh hùng có công dựng nước, từ thời phong kiến, các vị vua đã cho lập đền thờ vua Hùng. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến nhà Hậu Lê đều tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ đấng Thánh Tổ nước Nam xưa.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 1Đoàn dâng hương, đoàn cờ phướn, đội nhạc hành lễ, đội rước kiệu lễ vật khởi hành từ sân trung tâm lễ hội để lên Đền Thượng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Kế tục truyền thống cao đẹp của ông cha, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Và Người đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trong đó, lần về thăm thứ hai, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 2Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm.

Sau đó, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Và ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

* Vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc

Kính ngưỡng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, dâu bể thời gian, ý thức độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau trao truyền, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong thang bảng giá trị đạo đức của người Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 3100 thanh niên tượng trưng cho con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ, tay giương cao cờ hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 4Đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về vua Hùng. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Hiện nay, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ… Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 5Đông đảo người dân về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN


* “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”

Đây chủ đề của Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022. Lễ Giỗ Tổ năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức được gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cho biết, Giỗ Tổ gồm nhiều hoạt động giới thiệu và quảng bá đậm nét về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để đồng bào trong nước và nước ngoài hiểu thêm về giá trị to lớn của di sản.

Trong suốt những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống như Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 6Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Đồng thời, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa” tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Trưng bày tư liệu tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì; trưng bày sách, báo, tư liệu tại Thư viện tỉnh.

Đặc biệt, ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và vinh danh con cháu Vua Hùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến ở gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trực tiếp trên hệ thống truyền thông của Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022: Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại ảnh 7Trong khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ IX. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử đền Hùng, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn. Khu di tích lịch sử Đền Hùng được đầu tư khang trang với các khu chức năng như rừng quốc gia Đền Hùng, Khu trung tâm lễ hội, Khu tháp Hùng Vương, Làng du lịch văn hóa Hùng Vương, Khu nhà văn hóa Hùng Vương, Khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng tích cực mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê. Sưu tầm, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể tại Đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ.

Sở cũng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Hàng nghìn năm trôi qua với bao biến cố thăng trầm, song trong tâm thức của cả dân tộc Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vẫn luôn là điểm hẹn thiêng liêng bốn phương tụ hội, con cháu tiếp nối phụng thờ, tri ân công đức Tổ tiên.

Phương Phương (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm