Không khí lớp học của trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có 234 học sinh, trong đó 61 em là người dân tộc, với 23 cán bộ, giáo viên. Sau khi quyết định số 21/2019/QĐ-UBND có hiệu lực, chế độ đãi ngộ thêm cho giáo viên dạy học sinh dân tộc đã bị giảm từ 70% số lương xuống còn 35% số lương. Gần 20 năm giảng dạy tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, thầy giáo Trần Ngọc Thành, Tổng phụ trách Đoàn - Đội trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Hiện có 95% cán bộ, giáo viên từ vùng khác (đa số là trung tâm thành phố) dạy tại trường. Để kịp giờ dạy học, các giáo viên phải đi làm sớm hơn một giờ và ở lại đến chiều tối mới về nhà. Công việc gia đình, chăm sóc con đều khó quán xuyến được, với mức lương hiện tại cũng không thể trang trải cuộc sống cho gia đình. Nói về những khó khăn khi giảng dạy ở trường, cô Mai Thị Dung, giáo viên môn sinh học, trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương cho hay: Trường nằm ở địa bàn xa, đường giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa con đường đến trường thường xuyên bị chia cắt, ngập úng, giáo viên phải vượt qua quãng đường dài lầy lội, gồ ghề, nhiều đoạn đường phải lội bộ qua. Ngoài ra, việc dạy cho các học sinh người dân tộc thường phải tốn nhiều công sức, thời gian hơn, có trường hợp học sinh không chịu đi học, giáo viên phải đến tận từng nhà để động viên, vận động học sinh đến trường đầy đủ. Theo cô Mai Thị Dung, giáo viên dạy ở trường đa số là những người đam mê, tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh, nhiều giáo viên đã phải hy sinh lợi ích cá nhân để tiếp tục đứng lớp.
Không khí lớp học của trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương tâm sự: Khi bị cắt giảm chế độ ưu đãi dạy học sinh dân tộc, tinh thần giáo viên ít nhiều bị ảnh hưởng. Các giáo viên ở trường sống chủ yếu dựa vào lương, trong khi đó dạy ở vùng sâu, vùng xa phải chi tiêu cao hơn so với đồng bằng. Theo thầy Phạm Minh Vũ, việc cắt giảm chế độ dạy học sinh dân tộc cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng. Đặc biệt, giáo viên mới ra trường có mức lương rất thấp. Nhiều giáo viên đã bỏ việc vì lương không đủ trang trải cuộc sống. Cùng nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc, giáo viên của trường Tiểu học Hòa Bắc chung hoàn cảnh khó khăn khi bị cắt giảm chế độ. Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc, thầy Nguyễn Thọ chia sẻ: Trường có 88 học sinh dân tộc thiểu số, với 20 cán bộ, giáo viên. Do điều kiện khó khăn, khoảng cách xa trung tâm nên nhiều giáo viên hợp đồng không thể gắn bó lâu với trường. Từ đầu năm học mới, trường thiếu hai giáo viên dạy thời vụ, tuy đã thông tin, đăng tuyển trên các trang mạng, nhưng chưa có người ứng tuyển. Theo thầy Nguyễn Thọ, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nếu không được hưởng ưu đãi thêm thì sẽ khó gắn bó với nghề, chất lượng giảng dạy cũng sẽ không được đảm bảo. Bà Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng cộng 6 trường (2 Mầm non, 2 Tiểu học, 2 Trung học cơ sở) thuộc hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú, có học sinh dân tộc Cơ Tu đang theo học, với 106 cán bộ, giáo viên. Mặc dù hai xã Hòa Phú, Hòa Bắc không nằm trong quy định là xã miền núi, nhưng thực tế hai khu vực này là vùng đồi núi xa xôi của huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), điều kiện đi lại của cán bộ, giáo viên vô cùng khó khăn, đa phần giáo viên từ nơi khác đến công tác giảng dạy. Trong khi đó, các chế độ phụ cấp giảm nên nhiều giáo viên xin thuyên chuyển về gần nhà, dẫn đến đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động. Theo bà Hồ Quỳnh Trang, trước mắt Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang tăng cường động viên đội ngũ giáo viên của các trường yên tâm công tác. Đồng thời, Phòng cũng tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục có cơ chế hỗ trợ riêng cho cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác dạy học cho học sinh dân tộc và đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, đối với việc cắt giảm chế độ của giáo viên đứng lớp học sinh dân tộc ở huyện Hòa Vang, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp để trình UBND thành phố xem xét.
Võ Văn Dũng