Lực lượng của Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng trắc. Ảnh: Quang Thái- TTXVN |
Theo thống kê của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, từ năm 2017 đến nay, tại khu rừng đặc dụng Đăk Uy đã xảy ra 30 vụ vi phạm lâm luật với tổng số tang vật thu giữ trên 4,5 m3 gỗ tròn và quy tròn chủ yếu là gỗ trắc (thuộc nhóm IIA), gỗ hương (nhóm II). Trước tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn như: Xây tường rào bao quanh, mỗi tháng luân phiên tăng cường thêm 30 cán bộ kiểm lâm của các hạt kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ về bảo vệ; xây dựng 6 nhà bảo vệ và 11 lán trại rải đều trên diện tích, mắc bóng điện chiếu sáng vào thân cây... nhưng gỗ quý ở rừng đặc dụng này vẫn bị lâm tặc chặt trộm.
Để bảo vệ rừng trắc, 6 nhà bảo vệ và 11 lán trại được xây dựng. Ảnh: Quang Thái- TTXVN |
Theo ông Phạm Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, việc rừng trắc bị xâm hại do giá trị kinh tế của loại gỗ này đem lại rất cao. Bên cạnh đó, đây là khu rừng duy nhất còn tồn tại loại gỗ này, các đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở của lực lượng chức năng để vào đào trộm gốc, rễ cây trắc. Vì vậy, quản lý được diện tích rừng này rất gian nan.
Hơn 820 cây trắc có đường kính từ 20cm trở lên được đánh số để quản lý, bảo vệ. Ảnh: Quang Thái- TTXVN |
Trước thực trạng rừng đặc dụng Đăk Uy bị xâm hại nghiêm trọng, cuối năm 2016, Kon Tum đã đầu tư gần 27 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Quỹ Dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tường rào bao quanh khu rừng đặc dụng Đăk Uy với chiều dài 13,5 km tường bao (trong đó 8,5 km tường rào, 5 km hàng rào dây thép gai) với hy vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng phá rừng ở đây. Nhưng trên thực tế tình trạng xâm hại rừng vẫn chưa giảm.
Để bảo vệ rừng trắc, tỉnh Kon Tum đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng xây tường cao bao quanh. Ảnh: Quang Thái- TTXVN |
Rừng đặc dụng Đăk Uy là một quần thể sinh thái hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Trước đây, tại khu rừng có khoảng vài ngàn cây gỗ trắc, chiếm 30% trữ lượng gỗ của rừng. Nhưng đến nay, chỉ còn lại hơn 820 cây trắc tại rừng đặc dụng Đăk Uy. Các loại động thực vật đặc hữu khác như gấu, nai, sóc bay, gà lôi, tê tê, kỳ đà... cũng ngày càng mất đi do sự bị khai thác trái phép. Nếu không có những giải pháp khác đủ mạnh để răn đe, nguy cơ khu rừng đặc dụng này trong tương lai không xa sẽ trở thành "rừng rỗng ruột".
Quang Thái