Giảm khoảng cách trong tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Giảm khoảng cách trong tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Chiều 23/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên tuyền về chính sách, pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Ngày 28/7/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và hạn chế tái nghèo. Tập huấn là một trong những hoạt động triển khai Dự án giảm nghèo về thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hướng đến giảm khoảng cách tiếp cận về thông tin.

Chia sẻ về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới, ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, xuất phát từ nguyên tắc xây dựng đất nước Việt Nam “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo” (Hiến pháp 1946) và với đặc điểm là một quốc gia đa dân tộc; ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã phối hợp với Quốc hội trong xây dựng và ban hành Hiến pháp năm 2013; xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành nhiều luật, từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Về kết quả 15 năm thực hiện chính sách dân tộc theo Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc (giai đoạn 2003-2019), ông Phạm Chí Trung cho biết: Giai đoạn 2011-2020, công tác ban hành, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Hệ thống chính sách dân tộc đã đầy đủ hơn so với trước thời điểm 2010, có nhiều chính sách mới, bao phủ toàn diện các lĩnh vực. Nguồn lực thực hiện chính sách ngày càng tăng hơn so với giai đoạn trước đó; ngoài ngân sách nhà nước, các nguồn vốn huy động khác tham gia vào chính sách ngày càng đa dạng và quy mô lớn hơn, tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc như: Một số nội dung chính sách còn mang tính chủ quan, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng miền, môi trường sinh tồn, văn hóa của đồng bào dân tộc, thu nhập của người dân trên địa bàn. Một số chính sách nặng về hỗ trợ, chưa thực sự tập trung cho đầu tư nhằm phát triển bền vững, gây tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực của địa phương và người dân...

Một trong những nhiệm vụ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 (theo Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị) là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số theo hướng toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng; khơi dậy tinh thần tự lực, vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững; bảo đảm quốc phòng-an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc...

Cũng theo ông Phạm Chí Trung, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; đổi mới nội dung, cơ chế chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030; tập trung huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số theo Quyết định 1719/QĐ-TTg...

Trao đổi về kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lưu ý đội ngũ phóng viên báo chí cần sâu sát cơ sở mới có thể thực hiện các đề tài về vùng dân tộc, miền núi.

Để có những bài báo, đoạn văn, hình ảnh… cảm động, các nhà báo cần làm việc say mê, nhiệt tình, sáng tạo chứ không phải làm đại khái cho xong, cũng như cần có kế hoạch thực hiện bài bản. Các thể loại có thế mạnh tuyên truyền về lĩnh vực này gồm: Ký sự pháp đình, phóng sự, bình luận. Ngôn ngữ báo chí sử dụng cần trong sáng, giản dị, dễ hiểu, không đa nghĩa, dùng lối ví von, so sánh quen thuộc của người dân tộc trong các bài viết khi dùng ngôn ngữ nhân vật… Để tạo ra động cơ làm thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tích cực, cần có những bài báo, đoạn văn, hình ảnh cảm động. Muốn vậy, các nhà báo cần làm việc say mê, nhiệt tình, sáng tạo.

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm