Giải pháp căn cơ hạn chế các thiệt hại do thiên tai ở Cà Mau

Giải pháp căn cơ hạn chế các thiệt hại do thiên tai ở Cà Mau

Theo dự báo, thời tiết năm nay tiếp tục xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan. Do đó, tỉnh Cà Mau đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa nhằm giúp nông dân hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Kê khai sản xuất ban đầu

Những năm qua, để phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngoài tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân tỉnh Cà Mau còn chủ động đăng ký kê khai sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương.

Giải pháp căn cơ hạn chế các thiệt hại do thiên tai ở Cà Mau ảnh 1Kè bảo vệ đê biển ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác này, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện, các xã, thị trấn tuyên truyền lợi ích của việc đăng ký kê khai sản xuất ban đầu. Đồng thời, hướng dẫn hộ dân thực hiện đăng ký kê khai sản xuất theo quy định để quản lý, chỉ đạo sản xuất, làm cơ sở để xem xét hỗ trợ tái sản xuất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Ông Trương Thanh Hương, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho biết, trong vụ mùa vừa qua, do mưa lớn liên tục khiến việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn, điều này không chỉ khiến giá lúa giảm mà năng suất, chất lượng lúa sau thu hoạch cũng không cao. Do đó, để giảm rủi ro do thiên tai gây ra, năm nay gia đình đã chủ động đăng ký sản xuất ngay từ ban đầu với địa phương.

Đến nay, nông dân trên địa bàn huyện U Minh đã hoàn thành đăng ký sản xuất ban đầu năm 2023; trong đó gồm diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến là gần 22.000 ha; nuôi cua, tôm càng xanh xen canh gần 25.000 ha; các loại cá truyền thống 128 ha; gia súc có trên 43.700 con, gia cầm trên 292.000 con; rau màu 57 ha, cây chuối 2.700 ha, cây ăn trái các loại 475 ha...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Trần Hồng Ửng cho biết, bên cạnh khẩn trương rà soát phương án sản xuất trên từng lĩnh vực, hướng dẫn khung lịch thời vụ cụ thể theo từng vùng để người dân thực hiện thì đã đồng thời, tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là thuỷ sản nuôi trong thời gian cao điểm mùa khô và chuyển mùa. Qua đó có giải pháp khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt khâu chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua các loại giống buôn bán tràn lan, dẫn đến sản xuất đạt hiệu quả không cao.

Việc kê khai sản xuất ban đầu là chủ trương lớn của ngành nông nghiệp, không chỉ nhằm quản lý, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả mà còn là cơ sở để thực hiện hỗ trợ cho người dân tái sản xuất khi có thiên tai, rủi ro, dịch bệnh xảy ra.

Thực hiện nhiều giải pháp phòng

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu thì để giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, tỉnh Cà Mau đã đặc biệt quan tâm, làm tốt việc dự báo, cảnh báo tác động rủi ro và xem đây là giải pháp căn cơ nhằm hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra đối với tình hình sản xuất của người dân.

Theo ngành nông nghiệp, cây lúa, con tôm vẫn là loại cây trồng, vật nuôi có nguy cơ bị tác động và thiệt hại nhiều nhất trước diễn biến bất thường của thiên tai, thời tiết. Trong khi việc canh tác lúa của địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa thì thời tiết nắng kéo dài đã làm xuất hiện một số bệnh và thiệt hại trên tôm nuôi.

Theo thống kê đến đầu tháng 5, diện tích tôm thâm canh bị bệnh lũy kế đã trên 18ha; tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh lũy kế hơn 3.500ha, mức độ thiệt hại khoảng 50% - 85%.

Năm nay, dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra tình trạng kết thúc mùa mưa sớm, rất có thể xảy ra hạn hán kéo dài, tương tự chu kỳ mùa khô những năm 2015-2016 và 2019-2020. Hiện tượng thời tiết này được dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ngọt của hai huyện Trần Văn Thời, U Minh và vùng sản xuất lúa - tôm của huyện Thới Bình.

Nhằm chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa hiệu quả, với lĩnh vực tổ chức sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực. Qua đó, hướng dẫn địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ sản xuất, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước ngọt, độ mặn tăng cao…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ thông tin, địa phương thường xuyên đối mặt với 4 loại hình thiên tai phổ biến như: sạt lở, triều cường nước dâng, sóng gió lớn trên biển và hạn hán… gây nhiều thiệt hại đến sản xuất và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

“Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh làm tốt công tác dự báo, cảnh báo luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục thì Sở cũng đã xây dựng và ban hành lịch thời vụ, quy trình sản xuất, chăm sóc cho từng loại cây trồng, vật nuôi theo diễn biến của thời tiết ở từng thời điểm. Bởi, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kịch bản ứng phó trong trung hạn cũng như hàng năm đều có rà soát, điều chỉnh tránh tình trạng bị động, bất ngờ”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ, nhấn mạnh.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm