Hạn mặn khốc liệt, kéo dài vừa qua ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân Bến Tre. Mặc dù tỉnh Bến Tre có sự chủ động trong ứng phó nhưng hạn mặn kéo dài đã vượt qua các kịch bản ứng phó định trước. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào có giải pháp căn cơ giúp người dân sống chung với hạn mặn trong thời gian tới.
Hạn mặn lịch sử
Một vài cơn mưa đầu mùa vào trung tuần tháng 5/2020 vẫn chưa làm dịu mát thời tiết khô hạn, nước mặn kéo dài hơn 6 tháng qua. Lão nông Trần Văn Nam (67 tuổi), ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm vẫn phải đổi nước ngọt để có đủ nước sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi. Theo ông Nam, nếu như xem đợt hạn mặn năm 2016 là lịch sử, thì đợt hạn mặn năm nay khốc liệt hơn gấp nhiều lần trước đó.
Ông Nam cho hay, chưa bao giờ gia đình dùng hết và thiếu nước ngọt dự trữ như năm nay. Mỗi năm gia đình ông Nam dự trữ hơn 15m3 nước ngọt (nước mưa trữ lại từ năm trước) dùng để uống, nấu ăn… Nhưng hơn 2 tháng trước lượng nước này đã cạn sạch, mỗi ngày ông Nam phải đổi hơn 1m3 nước ngọt với giá 150.000 đồng/m3 để dùng trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, kinh tế gia đình giảm do ruộng không thể gieo sạ, cây dừa sản lượng trái giảm, nguồn thức ăn cho gia súc bị thiếu hụt.
Năm 2016, ảnh hưởng hạn mặn ông Nam cho xây thêm ống hồ trữ nước ngọt, nhưng hiện nay vẫn không đủ, đợi mưa xuống ông Nam tiếp tục cho xây thêm các hồ để trữ thêm nước, hy vọng đủ dùng cho năm tới. Ngoài ra, ông Nam dự tính xây dựng hệ thống ô bao cục bộ quanh vườn nhà để trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho hay, để cứu hơn 20.000 cây sầu riêng giống của gia đình, hơn 3 tháng qua mỗi ngày gia đình phải bỏ chi phí hơn 2 triệu đồng để vận chuyển nước ngọt về tưới cho cây. Trước đó gia đình bà Hoa đào ao trữ hơn 300m3 nước ngọt vẫn không đủ tưới. Ngoài ra, bà còn cho vận chuyển cây giống lên các vùng thương nguồn, nơi có nước ngọt để chăm sóc cây.
Theo bà Hoa, do năm nay nước mặn đến sớm (từ đầu tháng 12/2019), kéo dài nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Do vườn cây có giá trị rất lớn nên các gia đình buộc phải vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn về tưới. Nhưng phần lớn chủ yếu cứu các sản phẩm đã thành phẩm chuẩn bị bán ra thị trường, riêng các cây con nguyên liệu (cây làm gốc ghép) vẫn không đủ nước ngọt để tưới, cây chết rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới, bà có thể thiếu hụt nguồn nguyên liệu làm cây giống.
Hạn mặn khốc liệt, còn gây ảnh hưởng đến các vùng trồng chuyên canh cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, chôm chôm…) của huyện Châu Thành, Chợ Lách của Bến Tre. Anh Nguyễn Văn Hiếu, xã Long Thới, huyện Chợ Lách ngậm ngùi đốn bỏ hơn 4.000 m2 trồng cây chôm chôm đường của gia đình. Những cây chôm chôm bị nhiễm mặn, lá bị cháy xác xơ, có cây đang mang trái bị khô héo.
Anh Hiếu cho hay, vườn cây trồng lâu năm, năng suất cho trái ổn định, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện tại cây đã cháy lá, một số cây khô gần chết không còn cách nào cứu nên đành chấp nhận đốn bỏ. Ngoài ra, tình trạng cây đang cho quả chết, khiến nông dân thiệt hại nặng nề vì hầu hết đã hơn chục năm tuổi, nếu trồng lại phải mất thêm vài năm mới có thu hoạch. Do không đủ điều kiện kinh tế để trữ nước hoặc mua nước vận chuyển từ nơi khác về nên anh Hiếu đành đốn bỏ cây, chờ mưa xuống sẽ tìm cây khác trồng lại, hoặc chuyển sang làm cây giống.
Bên cạnh sản xuất người dân bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn. Hơn 86 nghìn hộ dân Bến Tre bị thiếu ngước ngọt để sinh hoạt. Do nguồn nước máy bị nhiễm mặn trên toàn tỉnh Bến Tre, độ mặn hơn 4 phần nghìn, người dân không thể sử dụng. Người dân buộc phải đổi nước ngọt sinh hoạt với giá cao từ 100.000-250.000 đồng/m3. Ngoài ra, hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền tây tại huyện Ba Tri với trữ lượng gần 1 triệu m3 cũng cạn trơ đáy do không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hạn mặn khốc liệt kéo dài, độ mặn hơn 4 phần nghìn bao phủ toàn bộ địa bàn tỉnh Bến Tre (năm 2016, Bến Tre còn 2 xã không bị nhiễm mặn). Nước mặn đến sớm, kéo dài do đó ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hạn mặn gây thiệt hại hoàn toàn hơn 5200 ha lúa Đông Xuân (sản xuất ngoài khuyến cáo). Ngoài ra hơn 27 nghìn ha dừa, 11 nghìn ha cây ăn trái, 600 ha cây giống, hơn 1.800 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hạn mặn.
Cần giải pháp căn cơ để thích ứng
Theo ông Phạm Anh Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, địa phương sản xuất chủ yếu cây giống, trồng các cây ăn trái đặc sản (sầu riêng, chôm chôm) nên rất mẫn cảm với nước mặn. Để chủ động ứng phó hạn mặn, từ tháng 9/2019 huyện Chợ Lách triển khai các việc ứng phó hạn mặn trong năm 2020. Nhưng hiện nay hạn mặn khốc liệt vượt qua tất cả các dự báo trước đó, vượt gấp nhiều lần đợt hạn mặn lịch sử năm 2016. Hạn mặn đến sớm hơn, xâm nhập sâu hơn vào nội đồng, độ mặn tăng cao nhất từ trước đến nay, thời gian hạn mặn ảnh hưởng kéo dài.
Tuy nhiên theo ông Linh, do có sự chủ động của người dân trong ứng phó hạn mặn, người dân chủ động trữ nước tưới, vận chuyển nguồn nước ngọt từ nơi khác tưới cho cây; đơn vị chức năng thường xuyên thông báo diễn biên mặn cho người dân, xây dựng các công trình đập tạm,… do đó làm giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra. Để có giải pháp ứng phó dài hơi cho vùng sản xuất tại Chợ Lách, ông Linh chia sẻ, cần có xây dựng các công trình cống, đê bao dọc theo các tuyến sông lớn Hàm Luông, Cổ Chuyên, kết hợp vận hành hơn 1.000 hệ thống cống nhỏ, từ đó hình thành vùng khép kín ngăn mặn cho khu vực. Bên cạnh đó, huyện kêu gọi người dân chủ động chuyển dịch vùng sản suất, chuyển đổi phù hợp, linh hoạt thích nghi với điều kiện nước mặn hiện nay.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ứng phó hiệu quả hơn đối với hạn mặn trong những năm tới, đối với các vùng sản xuất nông nghiệp cần rà soát quy hoạch lại, chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi cho phù hợp thích nghi với điều kiện biển đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, ngành chú trọng liên kết sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong ứng phó hạn mặn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giải pháp công nghệ cao, để nâng cao năng lực ứng phó hạn mặn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho rằng, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để có sự kết nối đồng bộ với nhau, nhằm nâng cao năng lực ứng phó hạn mặn. Tỉnh cũng tập trung hoàn thiện các công trình ngọt hóa Bắc và Nam Bến Tre hình thành vùng khép kín chủ động trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân sinh hoạt, sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tuyên truyền vận động người dân chủ động trữ nước ngọt, tăng cường hơn nữa các biện pháp trữ nước tại các hộ gia đình, giúp các hộ gia đình không bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng – Tổng Cục thủy lợi Việt Nam, để thích ứng hạn mặn ngày càng diễn ra gay gắt, ngoài sự vào cuộc chủ động của hệ thống chính trị từng địa phương trong việc đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, quan trọng nhất người dân phải chủ động hơn trong việc thích nghi với hạn mặn. Theo đó, mỗi gia đình cần có sự chủ động trữ nước ngọt để sinh hoạt, sản xuất. Bằng các điều kiện sẵn có mỗi gia đình nên tích trữ nước đủ dùng cho mùa hạn mặn. Đơn cử như người dân Bến Tre hiện nay trữ nước rất tốt, nhưng chỉ đủ dùng khoảng 3-4 tháng, nhưng hạn mặn hiện nay kéo dài đến 5-6 tháng, do đó người dân cần tiếp tục tích trữ nước để đủ dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi.
Ngoài ra, Ông Lương Văn Anh cho rằng, Bến Tre cần triển khai nhanh các giải pháp công trình thủy lợi, để có điều kiện tích trữ nước ngọt khi mùa hạn mặn đến, đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân sản xuất phát triển kinh tế.
Huỳnh Phúc Hậu